Điểm tin

Indonesia chuẩn bị nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0

13 tháng 02. 2019

Chính phủ Indonesia xác định cần phải chủ động trong công tác giáo dục-đào tạo để sớm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0…

Đón bắt xu thế công nghệ trong thời đại CMCN 4.0, một số trường đại học ở Indonesia đã chủ động đưa vào chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết để đương đầu với thách thức của cuộc cách mạng được cảnh báo là sẽ mang lại rất nhiều sự thay đổi này. Đây là một trong những bước đi nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà Indonesia coi là ưu tiên hàng đầu trong thời đại công nghiệp 4.0. Trường Đại học Prasetiya Mylya từ năm 2017 đã giới thiệu chương trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán ứng dụng (STEM) nhằm giúp sinh viên có thể bắt kịp với thời đại công nghệ phát triển vượt bậc sẽ khiến máy móc thay thế nhiều hoạt động của con người.

Xu thế công nghệ phát triển thời đại cách mạng 4.0 sẽ khiến nhiều công việc bị mất đi trong khi nhiều công việc mới lạ sẽ xuất hiện. Vì vậy, tại một cuộc hội thảo về phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng 4.0 vừa được tổ chức, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla kêu gọi sinh viên tốt nghiệp đại học phải nhận thức được những thay đổi trong nền kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thời đại hiện nay để chủ động về tương lai của mình.

Chính phủ Indonesia đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, trong đó cải cách giáo dục là một trong những nội dung quan trọng. Theo Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati, để nâng cấp hệ thống giáo dục hiện tại, chính phủ đã phân bổ 20% tổng số ngân sách nhà nước 495 nghìn tỷ rupiah (35,4 tỷ USD) trong năm 2019 này cho giáo dục.  

Ngoài ra, chính phủ sẽ tập trung cải thiện năng lực của các công nhân lành nghề thông qua các khóa đào tạo cơ bản để cấp chứng chỉ. Bộ trưởng Nguồn nhân lực Indonesia, Hanif Dhakiri cho biết, nỗ lực này bao gồm cải thiện việc tăng cường tiếp cận và phát triển hơn nữa chất lượng đào tạo nghề và các chương trình thực tập với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Chính phủ cũng có kế hoạch hợp tác với khu vực tư nhân để cung cấp các chương trình thực tập độc lập.

Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 5,1%, nhưng vẫn chỉ xếp 87/127 quốc gia về Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) theo xếp hạng năm 2017. Vì vậy, cuộc CMCN 4.0 được xem là cơ hội để quốc gia này bứt phá, thúc đẩy các ngành công nghệ cao phát triển và các ngành công nghiệp hạ tầng có giá trị gia tăng.

Ngoài chuẩn bị về chất lượng nguồn nhân lực, Indonesia còn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực tự động hóa, theo lộ trình kế hoạch “Making Indonesia 4.0-Hướng đến Indonesia 4.0”. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Công ty Nghiên cứu A.T. Kearney cho biết Indonesia mới chỉ ở giai đoạn “non trẻ” trong áp dụng cuộc CMCN 4.0 và tụt hậu trong việc triển khai tự động hóa cũng như người máy (robot). Mật độ người máy được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất ở Indonesia còn rất thấp, chỉ 5 robot/10.000 nhân viên, thua xa mức trung bình toàn cầu là 63 robot/10.000 nhân viên.  

Đáng chú ý, Indonesia còn đưa ra chỉ số để đánh giá mức độ tiến bộ của các doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0. Chỉ số này sẽ đo lường năng suất và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc CMCN 4.0. Chỉ số sẵn sàng cho cách mạng 4.0 của Indonesia (INDI 4.0) được đưa ra nhằm hỗ trợ lộ trình “Making Indonesia 4.0” do Tổng thống Joko Widodo công bố hồi tháng 4 năm ngoái. Chỉ số INDI 4.0 này được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí phát triển chính, bao gồm: Con người-văn hóa, quản lý-tổ chức, sản phẩm-dịch vụ, điều hành nhà máy và công nghệ. Điểm của mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá từ 0 đến 4. Hiện Indonesia có khoảng 10 công ty đăng ký tham gia Chỉ số INDI 4.0 nhưng trên thực tế có 20 doanh nghiệp đã được chấm điểm trước khi INDI 4.0 chính thức ra mắt.

Theo lộ trình của kế hoạch “Making Indonesia 4.0”, Chỉ số INDI 4.0 sẽ ưu tiên chấm điểm 5 ngành, bao gồm: Thực phẩm và đồ uống, dệt may, ô tô, hóa chất và điện tử. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác cũng được chính phủ hoan nghênh tham gia chỉ số này vì nó giúp ích cho việc tự đánh giá của các nhà sản xuất. Tất cả chi phí cho việc đánh giá Chỉ số INDI 4.0 sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo một nghiên cứu của Hãng tư vấn McKinsey vào năm 2018, 78% số công ty của Indonesia nhận thức được về khái niệm CMCN 4.0. Tờ Bưu điện Jakarta cho biết, con số này chỉ xếp sau Việt Nam với 79% số doanh nghiệp hiểu về khái niệm này, trong khi ở các nước khác, như: Thái Lan, Singapore hay Malaysia tỷ lệ này thấp hơn.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: