Điểm tin

Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Campuchia

27 tháng 02. 2019

Theo thông báo của Bộ Thương mại Campuchia, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế RCEP giữa kỳ lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Siêm Riệp vào ngày 01-02/3 để thảo luận về các cuộc đàm phán liên quan đến các vấn đề tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và đưa ra các định hướng cho các nhà đàm phán.

Như vậy, các Bộ trưởng sẽ có cuộc thảo luận ngay sau khi Phiên đàm phán RCEP lần thứ 25 đang tổ chức tại Bali (Indonesia) kết thúc vào ngày 28/02. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã từng kêu gọi tất cả các nước thành viên của ASEAN đẩy nhanh tốc độ đàm phán RCEP sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP.

Jayant Menon, Nhà kinh tế trưởng tại Cơ quan Hợp tác khu vực và thương mại của ADB cho rằng, RCEP là một hiệp định đa dạng với sự tham gia của 16 nước. Cũng chính sự đa dạng này là lý do khiến hiệp định tiếp tục bị trì hoãn, khi các quốc gia thấy khó đạt được sự đồng thuận về các vấn đề chính. Đặc biệt là Ấn Độ đã đặt ra những vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự về tự do hóa. Ý chí chính trị được coi là yếu tố chính để kết thúc RCEP, trong khi cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ và quy tắc xuất xứ cũng là những vấn đề chính cần đạt được trong hiệp định này.

Riêng với Campuchia thì hiệp định sẽ giúp nước này mở rộng sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thúc đẩy đầu tư lớn hơn từ các quốc gia như Nhật Bản, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận của Campuchia vào thị trường các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu của ASEAN, RCEP có thể biến khu vực Đông Á Thái Bình Dương thành một thị trường tích hợp bao gồm hơn ba tỷ người với tổng GDP khoảng 19,78 nghìn tỷ USD.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần này, dự kiến Nhật Bản và các nước ASEAN sẽ ký Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), sau khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2008 đã xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với thương mại hàng hóa, còn các vấn đề liên quan đến mở cửa lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được đàm phán sau.

Trong số các nước ASEAN, Myanmar là nơi có lộ trình tự do hóa chậm trễ, việc hoàn thành AJCEP sẽ nới lỏng các hạn chế đối với vốn nước ngoài trong các ngành xây dựng, giáo dục, truyền thông, tài chính và vận chuyển. Các công ty phải giữ quyền sở hữu nước ngoài dưới 35% để hoạt động như một doanh nghiệp trong nước, không được kiểm soát chặt chẽ. Các công ty nước ngoài có thể mở rộng cổ phần của mình theo thỏa thuận sửa đổi.

Tại Lào, ngành cho thuê thiết bị sẽ là một trong những lĩnh vực mới được tự do hóa. Nhà hàng và ngành công nghiệp môi trường của Indonesia cũng sẽ được mở thêm. Ngoài ra, lần đầu tiên, các công ty nước ngoài có thể sử dụng khung giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư khi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, giảm rủi ro kinh doanh cho các công ty Nhật Bản. Thỏa thuận cũng sẽ cải thiện tính minh bạch của chính phủ. Các nước mới nổi thường đơn phương từ chối các hoạt động kinh doanh mới của các công ty nước ngoài, nhưng thỏa thuận được cập nhật sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng nêu rõ lý do cho các quyết định liên quan đến hoạt động này.

Nguồn: Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: