Điểm tin

Thương mại Việt Nam - Campuchia ngày càng sáng

01 tháng 03. 2019

Việt Nam và Campuchia - hai quốc gia láng giềng có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, bổ sung cho nhau để phát triển, trong đó quan hệ thương mại là một trong những trụ cột tạo ra tính bền vững cho sự phát triển đó. 

Trong giai đoạn 2001-2011, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 17 lần, từ 169 triệu USD lên 2,83 tỷ USD. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai nước đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng hơn 29% so với 2016; năm 2018, con số đó là 4,7 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2017.

Do XK của Việt Nam sang Campuchia liên tiếp tăng nhanh, với kim ngạch luôn vượt trội so với NK từ Campuchia nên nước ta duy trì xuất siêu với kim ngạch cũng lớn sang thị trường láng giềng này. Năm 2017 ta xuất siêu 1,7 tỷ USD, năm 2018 thặng dư đó là 2,7 tỷ USD, tăng 58,8% so với năm 2017. Khi Việt Nam còn nhập siêu không ít từ ASEAN, nhất là với Singapo, Thái Lan, Malayxia, Indonexia, thì việc duy trì xuất siêu đáng kể sang Campuchia là rất có ý nghĩa, tạo khích lệ trong việc tranh thủ thời cơ mới trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Hàng hóa trao đổi giữa hai nước có tính bổ sung. Việt Nam XK sang Campuchia chủ yếu là sắt thép, xăng dầu, dệt may cùng nhiều hàng tiêu dùng thương hiệu Việt chất lượng cao khác. Ngược lại, hàng hóa ta nhập từ bạn mang tính tích cực, chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất như gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, nguyên phụ liệu thuốc lá…

Động lực chính cho sự phát triển nói trên là hai Nhà nước luôn dành sự quan tâm thích đáng cho lĩnh vực này.Việt Nam và Campuchia đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam dành thuế suất NK ưu đãi 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia. Đổi lại, Campuchia dành thuế suất NK ưu đãi 0% cho 14 mặt hàng của Việt Nam thuộc các nhóm sản phẩm sữa, chè, cà phê, túi nilông…Mới đây trong chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Campuchia, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia đã ký Biên bản thỏa thuận về thúc đẩy thương mại hai nước giai đoạn 2019-2020.

Trước đó, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh triển khai các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, trong đó có thương mại biên giới, thúc đẩy kết nối giao thông và triển khai mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu. Mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” hướng tới giảm thiểu số lượng văn phòng mà người vận chuyển phải qua, cũng như số lượng giấy tờ đòi hỏi phải xuất trình tại các cửa khẩu. Hệ thống cũng cho phép các đối tác thương mại khai báo XNK khi quá cảnh vào và ra khỏi biên giới tại một điểm.

Tác động thiết thực cho sự phát triển thương mại là hoạt động hợp tác đầu tư được hai bên cùng quan tâm. Việt Nam có gần hai trăm dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, chủ yếu vào nông, lâm nghiệp, đưa Việt Nam nằm trong TOP 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Ngược lại, đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tiến triển tích cực, đã có khoảng hai chục dự án với tổng vốn đầu tư gâng 60 triệu USD.

Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của hai bên nhộn nhịp, trong đó có những hoạt động nằm trong Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam. Nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của hai bên đặt Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại bên kia, và đều được nước chủ nhà tạo điều kiện mở mang hoạt động.

Trong bối cảnh hai nước đang có bước phát triển mạnh mẽ, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, tốc độ tăng trưởng cao, hoàn toàn có thể lạc quan rằng hiện nay là giai đoạn “vàng” để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Campuchia. Vì vậy, Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia mới đây rằng Hai bên nhất trí có các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư; phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD sau khi đã đạt mức 4,7 tỷ USD vào năm 2018, chắc chắn đạt được với nội hàm tăng trưởng có chất lượng vì sự thịnh vượng của mỗi nước, tương xứng với mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu bền giữa hai nước.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: