Điểm tin

Hiệp định RCEP đối mặt với các rào cản mới tại phiên họp ở Bali

01 tháng 03. 2019

Các nỗ lực để thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 16 nước thành viên, trong đó có Trung Quốc, bao trùm tới 1/3 nền kinh tế toàn cầu, đang phải đối mặt với rào cản mới khi các cuộc bầu cử mới sắp diễn ra trên khu vực châu Á Thái Bình Dương trong năm 2019 có nguy cơ cản trở tiến trình đạt được thỏa thuận.  

Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu, hiệp định RCEP được xem là một mũi tên quan trọng do các nền kinh tế khu vực nắm giữ. Tuy nhiên, khi cuộc đàm phán đang diễn ra với Phiên thứ 25 tại Bali (Indonesia) từ ngày 19-28/02 thì đã có những lo ngại mới về tác động của các cuộc bầu cử sắp tới ở Australia, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Các cuộc bầu cử đó cũng như cuộc thăm dò ở New Zealand vào năm 2020, đặt ra câu hỏi về triển vọng đạt được một hiệp định của 16 quốc gia bất cứ lúc nào sớm nhất có thể. Một sự thay đổi trong chính phủ ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan có thể làm gián đoạn thêm các cuộc đàm phán, vốn đã phải đối mặt với nhiều vấp ngã với một danh sách dài các chương chưa được hoàn tất.

Trưởng đoàn đàm phán RCEP của Indonesia, Vụ trưởng Vụ đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo, ngày 26/02, cho biết có thể có một số chậm trễ, đặc biệt là vì những nước có cuộc bầu cử trong năm nay. Do đó, những gì mà các nước nên làm là đẩy nhanh các cuộc đàm phán càng nhiều và càng nhanh càng tốt để các nước có thể thấy tiềm năng kinh tế mà một hiệp định RCEP có thể mang lại.

RCEP nhằm mục đích đồng bộ hóa các hiệp định FTA ASEAN+1 và sẽ chiếm quy mô gần một nửa dân số thế giới, tiến tới xóa bỏ thuế quan và điều chỉnh các quy tắc chi phối các chuỗi cung ứng phức tạp của khu vực, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Trong một tuyên bố riêng, trưởng đoàn đàm phán RCEP của Indonesia nhấn mạnh hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới. Các quốc gia là thành viên của RCEP “được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng đáng kể và cùng nhau trở thành động lực tăng trưởng trong nền kinh tế thế giới”. Trong hơn 6 năm đàm phán, RCEP cũng đã được coi là đối thủ của Hiệp định TPP (nay là CPTPP) và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc trong RCEP cũng đã được xem xét với những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực.

Khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến thương mại toàn diện vào năm ngoái, đã tạo nên sự cấp bách ngày càng tăng về sự cần thiết phải đưa RCEP vào quỹ đạo. Mặc dù vậy, việc Trung Quốc thúc đẩy các nhà lãnh đạo RCEP tuyên bố kết thúc đáng kể hiệp định tại Hội nghị Cấp cao Đông Á tháng 11/2018 ở Singapore đã không đạt được sức hút.

Đồng thời, Ấn Độ đã chống lại áp lực phải đưa ra một cam kết tham vọng hơn về việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trong khi các quốc gia khác đã không đáp ứng được kỳ vọng từ Ấn Độ về mở cửa các lĩnh vực dịch vụ của họ. Nhiều vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết, bao gồm về quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, khung pháp lý, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông và an ninh thương mại. Các nước tham gia đàm phán RCEP đều hiểu rằng không thể “đánh mất động lực” và “lạc quan thận trọng” rằng hiệp định sẽ đạt được trong năm.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: