Điểm tin

Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai mạng 5G

10 tháng 04. 2019

Mới đây, khi phát biểu tại Hội nghị ASEAN về 5G, diễn ra ngày 21-22/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh: "Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Công nghệ 2G, 3G, 4G, kết nối 7 tỷ người thì 5G kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, truyền tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật cất tiếng nói như con người. Đây là sứ mạng của 5G".

Phải đi đầu về phát triển mạng 5G

Thời điểm năm 1990, khi thế giới bắt đầu xuất hiện công nghệ 2G thì chỉ 3 năm sau, Việt Nam đã khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G đầu tiên.

Năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G, nhưng phải đến 2010, tức là 10 năm sau, 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Đến khi 4G xuất hiện thì câu chuyện cũng gần tương tự như vậy! Đến tận 8 năm sau, chúng ta vẫn chưa được cấp tần số mới để làm 4G. Và sự thật, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo Đổi mới Sáng tạo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11/2018: "Mạng 4G mà các nhà mạng khai trương năm 2017 là do dồn dịch tần số 2G". Cũng chính vì sự đi sau về công nghệ, thiếu nhân tố cạnh tranh mới, nên xét về mật độ thuê bao di động băng rộng - năm 2017 - Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) xếp Việt Nam đứng thứ 115/193, tức là dưới trung bình của thế giới.

Rút kinh nghiệm từ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu về CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ TT&TT hướng tới mục tiêu "mạng 5G cho mọi kết nối" của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Hơn thế, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. Nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới, đặc biệt là thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Để đón được thời cơ này, đòi hỏi Việt Nam phải đi đầu để thu hút con người, công nghệ, sản phẩm của cả thế giới. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới. 

Sẽ không còn chuyện đi sau thế giới gần 1 thập niên 

Mới đây, Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 vừa được Việt Nam tổ chức ngày 21-22/3/2019 tại Hà Nội - đây là một sáng kiến của nước chủ nhà nhằm mục đích kết nối và hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực viễn thông. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây một sự kiện rất có ý nghĩa của cộng đồng các nước ASEAN, cũng như là một sự kiện có ý nghĩa với ngành CNTT và truyền thông trong khu vực.

“Sẽ không còn chuyện, có những nước ASEAN đi sau thế giới về 3G/4G 6-8 năm. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước ASEAN cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển.

Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nhận định của các chuyên gia, khi đưa vào kinh doanh, nguồn thu của 5G không chỉ đơn thuần nhắm vào các thuê bao smartphone mà còn chủ yếu là các ứng dụng kết nối vạn vật khác. Ví dụ như xe ô tô thông minh khi kết nối 5G sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu bằng khoảng 70 chiếc smartphone.

Về hiện tại, Việt Nam đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT (Internet of Things - tạm hiểu là các thiết bị có khả năng kết nối đầu cuối vào môi trường mạng internet), thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát... và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực, phối hợp và hỗ trợ các nước ASEAN về các nội dung, lĩnh vực liên quan đến triển khai mạng 5G.

"IoT sẽ là nguồn thu chính cho 5G, chứ không phải smartphone. Với công nghệ 5G, Việt Nam nên đi trước, hoặc ít nhất đi bằng, chứ không nên đi sau như với 4G", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết.

Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA) dự báo, vào khoảng năm 2025, số lượng kết nối 5G tại khu vực châu Á có thể đạt được con số 675 triệu lượt, chiếm hơn 50% kết nối 5G toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, theo bà Susie Armstrong - Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm – một trong những hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới và công ty đi tiên phong phát triển công nghệ mạng 5G thì về mặt công nghệ và kỹ thuật thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng, khả thi thực hiện thử nghiệm năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cần có các chính sách của nhà nước, phải hiệu quả để hỗ trợ quá trình triển khai 5G.

Thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TPHCM trong quý 2/2019

Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đến nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam có giấy phép thử nghiệm mạng 5G với thời hạn một năm, kể từ 22/1/2019 đến 21/1/2020.

Với giấy phép này, Viettel được thử nghiệm để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5. Phạm vi thử nghiệm 5G của Viettel tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM và nhà mạng không thu cước với hoạt động này. Quy mô thử nghiệm dịch vụ không vượt quá 73 vị trí.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết Viettel đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G năm 2019. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho kế hoạch thử nghiệm, nhà mạng này cũng nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G. Viettel cho biết đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015.

Vào đầu tháng 4/2019, nhà mạng Viettel đã lắp đặt trạm thu phát sóng 5G đầu tiên tại Việt Nam trên nóc nhà Trung tâm Viettel Quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong 3 trạm 5G sẽ được phát sóng thử nghiệm lần này.

Hai trạm 5G còn lại được triển khai tại trụ sở Viettel Net tại số 19 Duy Tân và trụ sở Tập đoàn Viettel tại số 1 Trần Hữu Dực (Hà Nội). Dự kiến, đầu tháng Năm, những trạm này sẽ chính thức phát sóng, đem đến những trải nghiệm đầu tiên về dịch vụ 5G tại Việt Nam.

Đại diện Viettel cũng cho biết trong tháng 6/2019, 70 trạm 5G sẽ được tập đoàn này triển khai thử nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để đánh giá vùng phủ, dung lượng, tốc độ tối đa để chuẩn bị cho triển khai mạng 5G diện rộng.

Nước nào trên thế giới đã thương mại hoá 5G, Việt Nam khi nào?
Theo TTXVN, ngày 8/4, Hàn Quốc đã tổ chức lễ đánh dấu việc nước này thương mại hóa mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) đầu tiên trên thế giới tại công viên Olympic, thủ đô Seoul.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác với khối tư nhân, đầu tư trên 30.000 tỷ won (26,2 tỷ USD) nhằm phủ sóng sớm mạng 5G trên toàn quốc cho tới năm 2022. Chính phủ Hàn Quốc chỉ định 10 ngành công nghiệp chủ chốt ứng dụng mạng 5G để đầu tư, hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển như camera giám sát CCTV thông minh, thiết bị đeo trên người, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), smartphone thế hệ mới. 

Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên áp dụng mạng 5G vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới an toàn, sức khỏe của người dân, như hệ thống phối hợp điều trị từ xa theo thời gian thực kết nối giữa các bệnh viện, thành phố thông minh. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường bảo mật mạng, tính an toàn của mạng viễn thông 5G. 

Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng các kế hoạch trên sẽ nâng giá trị sản xuất ở các ngành công nghiệp liên quan tới mạng 5G lên 180.000 tỷ won (157,4 tỷ USD), giá trị xuất khẩu đạt 73 tỷ USD cho tới năm 2026, tạo ra 600.000 việc làm mới.

Tại Mỹ, hai nhà mạng lớn là Verizon và AT&T đã có kế hoạch triển khai 5G. Tuần đầu của tháng 4/2019, Verizon đã phát thử 5G ở Mỹ nhưng bị chê về tốc độ và độ bao phủ. 

Còn tại Việt Nam, mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trong năm 2019 và phát sóng thương mại năm 2020, là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.

Nguồn: VOH
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: