Điểm tin

Indonesia được gì trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Australia?

10 tháng 04. 2019

Quan hệ thương mại giữa Indonesia và Australia được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ và nâng lên một tầm cao mới khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Indonesia – Australia (IA-CEPA) có hiệu lực.

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với nhận định IA-CEPA sẽ cắt giảm rất nhiều loại thuế đối với hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước và cung cấp nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư. Hiệp định cũng quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa phù hợp với tình hình thị trường hơn so với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN- Australia-New Zealand hiện tại.

Chính phủ Indonesia muốn tận dụng cơ hội này để cắt giảm thâm hụt thương mại, đang ở mức 1,3 tỷ USD năm 2018, cũng như thu hút đầu tư từ nước láng giềng nhằm thúc đẩy và duy trì tăng trưởng GDP bền vững.

IA-CEPA sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Indonesia, đặc biệt là trong ngành dệt may, hàng tiêu dùng và máy móc.

Indonesia hy vọng IA-CEPA sẽ là bước quan trọng để cả hai nước trở thành một cường quốc kinh tế và đóng góp nhiều hơn cho chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong thời gian ngắn. 

Indonesia được dự đoán là một cường quốc sản xuất bởi có khả năng cung cấp nguyên liệu thô và lao động chất lượng. Dự báo tổng hàng hóa Indonesia xuất khẩu sang Australia sẽ tiếp tục tăng do hơn 7.000 sản phẩm của Indonesia không bị đánh thuế.

Trong lĩnh vực dệt may, Indonesia cũng là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư sang Australia, chỉ sau Việt Nam (271 triệu USD), Ấn Độ (488 triệu USD) và Bangladesh (640 triệu USD). Năm 2017, Australia đã nhập khẩu 263 triệu USD hàng dệt may từ Indonesia. 

Với IA-CEPA, thuế xuất nhập khẩu hàng dệt may xuống 0%, các công ty may mặc của Indonesia đang tận dụng cơ hội này để mở rộng sản xuất.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Hiệp định IA-CEPA cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh cung cấp mặt hàng này. Các doanh nghiệp Indonesia đang đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. 

Năm 2017, Australia đã nhập khẩu 1,4 tỷ USD hàng tiêu dùng từ Indonesia. Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Indonesia đứng đầu việc xuất khẩu vào thị trường này.

Về lĩnh vực máy móc, năm 2018, một trong những mặt hàng hàng đầu mà Australia nhập khẩu là máy móc, chủ yếu là máy ủi và máy xúc. Khoảng 10% GDP của Australia xuất phát từ ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng. Vừa qua Chính phủ Australia đã cam kết chi hơn 35 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong tương lai. 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Indonesia chỉ chiếm 11,9% thị phần, do đó đây cũng sẽ là mục tiêu để các doanh nghiệp Indonesia hướng đến.

Trong lĩnh vực công nghệ, Indonesia đang phát triển mạnh mẽ về khởi nghiệp sáng tạo với sự phát triển của Internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội. Đến nay, Indonesia đã tổ chức thành công bốn kỳ khởi nghiệp sáng tạo, lĩnh vực này có thể được thúc đẩy hơn nữa thông qua đầu tư trực tiếp của Australia. 

Trong 5 năm qua, đầu tư khởi nghiệp của Indonesia đã tăng 68 lần, đạt 1,4 tỷ USD trong năm 2016 và tăng lên 3 tỷ USD trong năm 2017. Do đó, Hiệp định IA-CEPA mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư của Australia tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Về phía các doanh nghiệp Australia, một trong những điểm chính trong IA-CEPA là các doanh nghiệp Australia được trao đặc quyền trong việc đầu tư vào thị trường Indonesia. 

Trong tương lai, các doanh nghiệp Australia sẽ đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, do những lĩnh vực này của Indonesia đang thiếu nhân lực, kỹ thuật công nghệ cao và cơ sở hạ tầng lạc hậu. Hàng năm, hơn 500.000 lượt  người dân Indonesia ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.

Bên cạnh rất nhiều cơ hội thuận lợi để nắm bắt, các doanh nghiệp của Indonesia cũng nhận thấy từ IA-CEPA những khó khăn, thách thức. Việc các nhà đầu tư Australia có mặt tại thị trường Indonesia với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao sẽ làm mất thị phần của doanh nghiệp nội địa Indonesia. 

Bên cạnh đó, mặc dù thị trường Australia là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu Indonesia đầu tư, kinh doanh, nhưng đây không phải là thị trường dễ dàng để thâm nhập. Doanh nghiệp Indonesia muốn đầu tư, kinh doanh cần phải hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp Australia có chi nhánh đặt tại Indonesia để đẩy nhanh quá trình thành lập doanh nghiệp cũng như có kiến thức về thị trường và mạng lưới phân phối. 

Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư Indonesia hạn chế được nhiều rủi ro do các quy định của Hiệp định IA-CEPA./.       

Nguồn: BNews
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: