Điểm tin

ASEAN trong vòng xoáy kinh tế mới ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương: Chọn hướng đi nào?

22 tháng 04. 2019

Năm 2019, các nền kinh tế ASEAN có thể phải đối mặt với những biến động lớn, đòi hỏi phải có định hướng ưu tiên. Hiệp định CPTPP đã được thực thi, trong khi Hiệp định RCEP mà ASEAN là trung tâm vẫn đang gặp nhiều khó khăn và những diễn biến của đàm phán Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết rõ ràng.

Một số nhà quan sát cho rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng nhượng bộ của Trung Quốc đối với Mỹ trong các vấn đề cốt lõi. Như vậy, dù khó tránh được việc bị ảnh hưởng từ các biến động lớn, nhưng ASEAN vẫn có thể chủ động sáng kiến để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực như:

Thứ nhất, thực thi hoàn chỉnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, nhằm đạt được 5 mục tiêu lớn là (i) một nền kinh tế ASEAN hội nhập và gắn kết cao; (ii) một ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động; (iii) ASEAN tăng cường kết nối và hợp tác chuyên ngành; (iv) ASEAN kiên cường, toàn diện, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; (v) một ASEAN toàn cầu. Thúc đẩy AEC 2025 sẽ cho phép các doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường khu vực với hơn 620 triệu người dân, khiến các nền kinh tế khu vực trở nên kiên cường hơn trước những cơn gió ngược chiều. Trước mắt, ASEAN nên phê chuẩn và sớm thực thi Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đầu tư đã ký kết với Hồng Kông (AHKFTA và AHKIA) vào tháng 11/2017. Các hiệp định này sẽ phần nào giúp tăng cường luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư xuyên biên giới giữa ASEAN với Hồng Kông và Trung Quốc, sẽ không chỉ cho phép các công ty được tiếp cận nhiều hơn với thị trường hàng hóa và dịch vụ và bảo vệ đầu tư tốt hơn, mà còn cho phép các quốc gia ASEAN thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư với nền kinh tế Hồng Kông. Điều đó sẽ giúp các nền kinh tế ASEAN phục hồi sau mọi thiệt hại mà cuộc chiến thương mại gây ra trong ngắn hạn và cả các giao dịch tương lai giữa Washington với Bắc Kinh có thể mang lại.

Thứ hai, tập trung mạnh mẽ cho Hiệp định RCEP để kết thúc đàm phán, đạt mục tiêu trong năm 2019. Sau khi hoàn thành, RCEP sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho hệ thống giao dịch toàn cầu dựa trên quy tắc. Đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn với 3,6 tỷ người và GDP đạt 25 nghìn tỷ USD, vượt xa cả Mỹ, và là hiệp định tham vọng nhất mà các nước đang phát triển đàm phán, dựa trên các cam kết trong WTO và đưa ra bằng chứng mới về sự lãnh đạo của châu Á trong thương mại thế giới. Mặc dù điều này là không dễ dàng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang góp phần làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán RCEP. Về mặt tích cực, nhiều nước châu Á đánh giá cao sự cần thiết của các liên minh mạnh mẽ để chống lại sự "bắt nạt của Mỹ". Ngoài ra, một điều khoản khắt khe mà Mỹ đưa ra trong Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) cấm các thành viên của hiệp định này và các thỏa thuận tiềm năng khác của Mỹ ký kết các hiệp định với "các nền kinh tế phi thị trường" (hàm ý ám chỉ Trung Quốc), càng gia tăng thêm tính khẩn cấp phải hoàn thành RCEP.

Một số nước lo lắng rằng, các cuộc tấn công của Mỹ vào Trung Quốc sẽ chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường của chính họ. Trong khi đó, các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn vào các thị trường của Mỹ mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc hiện đang kiểm soát. Trong RCEP, một số quốc gia có thể chỉ giảm 80% các dòng thuế với thời gian dài, là khá khiêm tốn so với tỷ lệ tự do hóa thuế quan gần 100% trong CPTPP. RCEP cũng có hiệu lực hạn chế đối với các biện pháp phi thuế quan và phi biên giới, hoặc đối với các quy tắc về sở hữu trí tuệ và dịch vụ vượt qua mức quy định của WTO. Với RCEP, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,9%.

Nếu CPTPP bổ sung thêm thành viên, thì rất có thể, lợi ích của hiệp định này sẽ vượt qua RCEP và gây áp lực lên RCEP. Các điều khoản của hiệp định CPTPP đã giải quyết những thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu thương mại 25 năm kể từ Vòng đàm phán thương mại đa phương Uruguay. Chất lượng của RCEP cũng sẽ được hưởng lợi khi Australia và New Zealand được cho là đang kêu gọi đưa các quy tắc CPTPP vào RCEP. Khi thế giới đang nhìn vào một cuộc chiến thương mại, như là một động lực của sự phát triển và chất xúc tác cho cải cách kinh tế. Chủ nghĩa dân túy ở châu Mỹ và châu Âu tán thành các chính sách dân tộc, chủ nghĩa trọng thương, thì RCEP có thể đưa ra một câu trả lời lạc quan về một giải pháp thay thế, tập trung vào các quốc gia đang phát triển ở quy mô chưa từng có. RCEP thậm chí có thể khơi dậy mối quan tâm trong hội nhập khu vực rộng lớn hơn, như con đường của APEC hướng đến Khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ ba, giải quyết quan ngại của Ấn Độ trong hội nhập khu vực. Theo Oxford Economics, Ấn Độ có khá nhiều vấn đề khi tham gia hội nhập khu vực, thậm chí là nhân tố gây phức tạp cho đàm phán RCEP hiện nay. Tháng 12/2018, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu đánh giá độc lập của các chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế về lợi ích và mất mát của mối quan hệ đối tác với Ấn Độ trong dài hạn. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng, RCEP không là gì ngoài hiệp ước thương mại song phương với Trung Quốc, mà Ấn Độ sẽ thua còn Trung Quốc sẽ có lợi vì một khi hiệp định được thực thi, Ấn Độ sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn cho Trung Quốc và thâm hụt thương mại sẽ gia tăng thêm.

Bất chấp những lập luận này, cựu Bộ trưởng thương mại Rajeev Kher nói rằng, RCEP sẽ mang lại cho Ấn Độ một cơ hội để hợp tác với Trung Quốc, sẽ cho New Delhi một cơ hội để ngăn chặn một số hành vi không công bằng của Trung Quốc, vì vậy, "Ấn Độ không thể đứng một mình và phải là một phần của nhóm". Các chuyên gia cho biết, RCEP sẽ cung cấp cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ một cánh cửa để trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành công nghiệp Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc vươn lên cạnh tranh. Sau RCEP, bản chất của các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ thay đổi từ các công ty gia đình sang nhiều liên doanh hơn. Không thể phủ nhận thực tế rằng, việc Ấn Độ gia nhập một câu lạc bộ kinh tế khổng lồ như vậy sẽ tăng cường sức mạnh chiến lược cho nước này. Đây là cơ hội để mang lại những cải cách thương mại lịch sử, củng cố vị thế của Ấn Độ như là một nền kinh tế toàn cầu lớn. Việc ký kết RCEP có thể là hồi chuông báo tử cho nhiều doanh nghiệp Ấn Độ hay không, thì câu trả lời rõ ràng chỉ có sau khi hiệp định có hình dạng rõ ràng hơn. Trước khi điều đó xảy ra, Ấn Độ sẽ phải cùng các nước ASEAN và các đối tác khác tiếp tục trải qua một vài cuộc đàm phán khó khăn.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: