Điểm tin

Bàn về các ưu tiên của Việt Nam trong Năm chủ tịch ASEAN 2020

11 tháng 05. 2019

Ngày 8/5/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020: Khuyến nghị về các ưu tiên". Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu, đối thoại và tham vấn kiến nghị chính sách để chuẩn bị phục vụ cho năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.  

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, gần đây, bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi ASEAN phải nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường đoàn kết nội khối. Đây cũng là vấn đề đặt ra với Việt Nam khi đảm nhận vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Theo ông Phạm Quang Vinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, tôi nghĩ rằng ASEAN nói chung và Việt Nam với tư cách là chủ tịch phải đa dạng hóa quan hệ, chúng ta phải làm bạn với nhau. Có những việc khác nhau giữa các thành viên thì phải đối thoại, dựa trên căn cứ lợi ích của khu vực, hòa bình hợp tác phát triển để xử lý.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong cộng đồng ASEAN cần phải trao đổi và có những thay đổi để phù hợp với bối cảnh quốc tế, muốn vậy thì tự mỗi nước phải củng cố tự cường dân tộc nhưng vẫn đảm bảo có nhiều đóng góp theo hướng thúc đẩy hợp tác, tăng cường lòng tin vì hòa bình thịnh vượng ở khu vực. Đây cũng chính là thách thức đặt ra với nước Chủ tịch ASEAN 2020 khi đưa ra các sáng kiến thảo luận tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Tâm Chiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ASEAN ngày càng có vị trí lớn trên thế giới. Vì vậy những sáng kiến của Việt Nam, những vấn đề mà Việt Nam sắp đưa ra tại Năm chủ tịch 2020 phải đáp ứng, phù hợp với phát triển của ASEAN đồng thời đáp ứng được đòi hỏi của giai đoạn hiện nay.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội, Việt Nam cần phát huy, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn, đồng thời phải dẫn dắt để ASEAN không những vững mạnh trong nội khối, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Theo PGS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong hơn 50 năm qua là minh chứng cho sức sống dẻo dai của một mô hình hợp tác khu vực. Sự phát triển của Cộng đồng ASEAN dựa trên những thành tựu đã đạt được và vai trò quan trọng của ASEAN đối với từng nước thành viên, đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, thách thức đan xen những cơ hội, nhiệm vụ đặt ra cho Chủ tịch luân phiên của ASEAN, mà cụ thể là Việt Nam trong năm 2020, là làm sao hoá giải các thách thức và nắm bắt cơ hội, tích cực phối hợp cùng tất cả các nước thành viên khác vì sự phát triển của ASEAN.

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cũng khẳng định ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong không khí trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và thực chất. Đa số các đại biểu thống nhất với quan điểm rằng ASEAN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp một cách thực chất vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: