Điểm tin

Ngành mía đường Đông Nam Á: Vật vã tìm lối thoát

19 tháng 06. 2019

Để có thể tiếp tục sinh tồn trong một ngành mía đường đầy biến động và phức tạp bởi sự trợ giá của các chính phủ cũng như biến đổi khí hậu, nhiều nước Đông Nam Á đang vật vã tìm lối thoát bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như thay đổi - cải tiến sản phẩm.

Do điều kiện sinh trưởng, cây mía chỉ thích hợp với những vùng nhiệt đới nhiều nắng và nhiều mưa. Trong vài năm gần đây, thị trường mía đường là cuộc chơi của 3 ‘ông lớn’ Brazil, Ấn Độ và Thái Lan. Để có thể giúp ngành mía đường của mình thắng trong cuộc đua đường dài này, cả 3 đã không ngừng trợ giá cho nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất mía đường.

Theo Insidesources, mỗi năm, Brazil trợ cấp 2,5 tỷ USD cho ngành công nghiệp đường, còn Ấn Độ khoảng 1,7 tỷ USD. Ngoài hình thức cho vay, họ còn kiểm soát giá cũng như thanh toán trực tiếp cho các nhà sản xuất thiết bị - vật tư.

Còn theo ông Rangsit Hiangrat – Tổng giám đốc TSMC đến từ Thái Lan, thì Ấn Độ trợ giá mía đến hơn 90% giá trị của sản phẩm. Họ vẫn áp dụng mức giá cố định cách đây 10 năm. Các nhà máy đường Ấn Độ sản xuất 35 triệu tấn, tiêu thụ nội địa 25 – 26 triệu tấn, sản lượng dư thừa nhiều. Trong khi đó, họ vẫn phải thu mua mía giá cao để duy trì cho người nông dân. Ngoài ra, Ấn Độ cũng trợ giá xuất khẩu cao: 1000 rupe/tấn và những nhà máy ở xa thì là 2000 rupe/tấn, càng xa cảng xuất khẩu càng được trợ giá cao.

Phần Brazil, họ cũng trợ giá vượt quá 30% trong khi quy định chỉ được 10%.

Do đó, thị trường đường là một trong những thị trường đầy biến động, luôn diễn biến phức tạp và rất khó đoán định, không giống như nhiều ngành hàng khác là đi theo cung cầu của thế giới.

Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá đường trên thế giới liên tục giảm, khiến ngành đường của nhiều quốc gia ngày càng lao đao, tiêu biểu như ở Đông Nam Á.

Tất cả đều đang gặp khó

Mặc dù là một cường quốc về mía đường, nhưng Thái Lan cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Sasathorn Sanguandeekul – thuộc bộ phận phân tích trường và quản lý rủi ro của công ty Miltrphol Sugar cho biết trong Hội nghị thường niên lần 4 của Hiệp hội mía đường Đông Nam Á (ASA), ngành mía đường của họ đang có dấu hiệu chững lại và không biết tương lai như thế nào, vì còn phải quan sát những động thái từ 2 đối thủ Brazil và Ấn Độ.

Niên vụ năm 2017-2018, Thái Lan có 57 nhà máy nghiền mía, họ hy vọng niên vụ 2018-2019, lượng nhà máy sẽ tăng lên, nhưng hiện thực ngược lại, khi chỉ còn 55 nhà máy. Năm 2019-2020, bà Sanguandeekul hy vọng lượng nhà máy nghiền sẽ tăng lên con số 57 nhà máy như một năm trước đó.

"Với giá đường chỉ nằm ở khoảng 14 cent/kg đến 20 cent/kg và giảm qua từng năm, rất ít người muốn đầu tư vào các nhà máy đường", đại diện công ty Miltrphol Sugar cho biết.

Cũng theo bà, sản lượng của niên vụ 2019-2020 của Thái sẽ không tốt vì họ đang gặp khô hạn thiếu nước vào tháng thu hoạch như Ấn Độ. Bên cạnh đó, không ít nông dân đang có ý định chuyển đổi cây trồng, nếu trồng sắn thay cho mía, lợi nhuận của người nông dân sẽ tăng lên 10% đến 20%.

Về mặt thị trường, lượng xuất khẩu đường thô của họ vào Indonesia đang rất cao, trong 4 tháng đầu năm 2019 còn tăng lên 17% và xuất khẩu vào Myanmar tăng 30%. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vào Lào, Campuchia và nhất là Trung Quốc sụt giảm. Trung Quốc đã đóng cửa rất nhiều cửa khẩu ở đường biên. Lượng đường trắng xuất khẩu sẽ giảm rất nhiều vì không thể bán cho Trung Quốc được nữa. Hiện Thái Lan đang tích trữ tới 11 triệu tấn đường thô.

Đối thủ Brazil đang phân vân đứng giữa 2 dòng nước là chọn sản xuất đường hay cồn – ethanol từ mía. Sự cám dỗ từ ethanol là rất lớn, vì nó bán nhanh hơn và thu hồi vốn cũng nhanh hơn đường. Nếu Brazil quyết định chọn ethanol, thì Thái Lan sẽ tranh thủ ‘chui’ vào những thị trường mà Brazil để lại.

Phần Ấn Độ, năm nay sản lượng mía của Ấn Độ không tốt vì họ giảm tốc sản xuất và thời tiết khô hạn không thuận lợi, nhưng Ấn Độ lại có tới 14,7 triệu tấn đường trong kho. Nên họ là một ẩn số lớn với Thái Lan.

Còn sở dĩ Indonesia dần trở thành nước nhập đường nhiều nhất thế giới và là thị trường béo bở của người Thái, khi tiêu thụ đến ¼ sản lượng đường mà Thái sản xuất được, vì ngành đường của Indonesia ngày càng đi thụt lùi. Trước đây, Indonesia từng là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới.

Giai đoạn 2000 - 2008, Indonesia sản xuất 1,5 - 2,8 triệu tấn đường. Tuy nhiên những năm gần đây, con số này đã giảm xuống: năm 2018 là 2,2 triệu tấn, năm 2019 là 2,1 triệu tấn. Sản lượng đường tiêu thị hằng năm của Indonesia là 6 triệu tấn, do đó tồn tại một khoảng thiếu hụt cần phải bù đắp bằng nhập khẩu. Năm 2018, Indonesia nhập 4,4 triệu tấn đường.

Theo đại diện của Hiệp hội mía đường Indonesia, hiện tại chỉ mỗi đảo Java của họ là trồng mía và diện tích không thể mở rộng được nữa, trong khi diện tích đất ngoài đảo Java tức ở những đảo khác còn rất nhiều, nhưng chẳng ai sẵn lòng đến đó để trồng mía cả. Ở Indonesia, nông dân thích làm dầu cọ hơn trồng mía, vì vừa ít vất vả lại lợi nhuận nhiều hơn. Hiện Indonesia đang là nước sản xuất dầu cọ nhiều nhất thế giới.

Ngành mía đường của Philippines cũng đang đi xuống tương tự Indonesia, khi có tới 12 nhà máy đường của họ chuyển sang sản xuất ethanol.

Malaysia và Việt Nam đang tiên phong tìm lối ra

Cũng như Indonesia, Malaysia cũng nhập đường từ Thái Lan rất nhiều do ngành đường của họ cũng ngày càng đi thụt lùi.

Tuy nhiên, thay vì tìm cách vực dậy ngành đường bằng cách trợ giá tích cực hơn hoặc tìm biện pháp cực đoan nào đó, Malaysia lại chọn cách cải tiến sản phẩm.

Theo ông Ahmad Farid bin Kamarudin – Giám đốc Thương mại Central Sugar Refinery Sdn.Bhd, thì Malaysia vừa sản xuất được loại đường nâu glycemic thấp – Better Brown rất tốt cho sức khỏe. Glycemic (GI) là chỉ số đường huyết của thực phẩm, thể hiện mức độ hấp thụ đường vào máu khi tiêu thụ một loại thực phẩm. Họ chính là quốc gia đầu tiên có thể sản xuất loại đường này.

Better Brown có những lợi ích nổi bật như: giúp giảm hấp thụ đường vào máu; giúp chống lại vấn nạn béo phì và bệnh tiểu đường; không phụ gia, không hóa chất và không biến đổi gen (non GMO); tăng hương vị cho món ăn; vẫn giữ được các đặc tính quan trọng của đường khi dùng để làm bánh.

Thay vì sản xuất đường quá nhiều và bán với giá thấp, thì Malaysia muốn sản xuất những loại đường tốt cho sức khỏe và bán với giá phải chăng. Hiện loại đường nâu glycemic thấp đang rất được ưa chuộng tại Malaysia: từ con số 0 tháng 11/2018, giờ công suất nhà máy của họ đã lên 3.000 tấn/năm mà vẫn không đủ để phục vụ nhu cầu.

Và ông Kamarudin tin rằng, tiềm năng của loại đường này là vô tận, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng như hồi xưa họ đổi từ xà bông cục sang xà bông nước hay từ sữa bột sang sữa nước.

Cũng như các nước láng giếng, ngành đường Việt Nam cũng phải đối mặt với rất gập ghềnh trắc trở trong vài năm gần đây. Do khó xây dựng được cánh đồng mẫu lớn nên các doanh nghiệp không áp dụng được cơ giới hóa làm giá đường của Việt Nam khá cao so với mặt bằng chung, đã vậy đường Việt còn chịu sự cạnh tranh của số lượng lớn đường lỏng buôn lậu qua biên giới…

Để có thể vượt khó, ngành mía đường Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc, như thúc đẩy chính sách thuận lợi cho việc hình thành các cánh đồng lớn, đẩy mạnh công tác R&D, cũng như chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, giống Thành Thành Công đang làm.

Tháng 5 vừa qua, tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã quyết định tạm đừng hoạt động nhà máy Đường Nước Trong để chuyển sang sản xuất đường organic thay vì đường tinh luyện như trước đây.

"TTC đã có kế hoạch tạm dừng hoạt động sản xuất của nhà máy Đường Nước Trong với diện tích 3.100ha và sản lượng đường (ước tính niên độ 2018-2019) 10.339 tấn để chuyển sang sản xuất đường organic. Tuy nhiên, đây không phải là quyết định mang tính tình huống, mà là sự chuyển dịch sâu về chiến lược đã được chuẩn bị kỹ từ ba năm nay. Đây cũng là một trong các bước đi quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu lại của TTC Sugar để tập trung hơn về sản xuất, chế biến", ông Chủ tịch TTC - Đặng Văn Thành chia sẻ.

Ngoài ra, TTC còn rất lạc quan về giá đường trong niên độ 2019-2020. Thông tin từ các chuyên gia cho biết, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực.

Với uy tín không chỉ tại Việt Nam mà còn quốc tế, TTC Sugar cũng sẽ đồng hành cùng các cơ quan chức năng Việt Nam để ra sức chống lại vấn nạn đường lỏng (HFCS), góp phần minh bạch thị trường đường trong nước, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt trên trường quốc tế.

Nguồn: Báo Tri thức Trẻ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: