Điểm tin

Các Bộ trưởng RCEP sẽ lại gặp nhau vào ngày 01/11: Tăng tốc để đạt mục tiêu

16 tháng 10. 2019

Các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại của 16 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ gặp lại nhau vào 1/11 sau khi chưa thể điều chỉnh quan điểm với lập trường cứng rắn của Ấn Độ về tiếp cận thị trường, đầu tư và thương mại điện tử tại phiên họp giữa kỳ vào ngày 11-12/10 tại Băng Cốc vừa qua, vốn được dự kiến là phiên họp cuối cùng của các bộ trưởng RCEP.    

Các nhà đàm phán đã được yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán vào ngày 14/10 tại Băng Cốc để thu hẹp sự khác biệt vào ngày 19/10 trước khi các nhà lãnh đạo RCEP gặp nhau vào ngày 4/11 để tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định này.

Quan điểm của tất cả các nước đang cần phải thu hẹp và nỗ lực dành thời gian để kết thúc đàm phán vào ngày 22/10, bao gồm cả song phương. Các cuộc đàm phán vừa qua đã tạo ra những tiến bộ lớn, đặc biệt chỉ còn 6 chương cần phải hoàn tất, bao gồm các biện pháp phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, đầu tư.

Thông báo chính thức của Thái Lan- nước chủ tịch ASEAN 2019 nêu rõ rằng, trong 10 ngày tới, các việc còn lại sẽ được hoàn thành, với các cuộc họp của Ủy ban Đàm phán thương mại và các phiên họp nhóm kỹ thuật từ 14-19/10 tại Băng Cốc. Và sẽ có một cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 1/11 tại Băng Cốc. Sau đó, tất cả các quốc gia sẽ đặt mục tiêu chung cho Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 vào ngày 4/11. Mỗi quốc gia đều có một mục tiêu rõ ràng để giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán kết thúc trong năm nay.

Vướng mắc lớn nhất với RCEP hiện nay vẫn là quan điểm của Ấn Độ khi nước này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các ngành công nghiệp chống lại RCEP vì họ sợ rằng sẽ dẫn đến tình trạng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc và nông sản giá rẻ từ Australia và New Zealand tại thị trường Ấn Độ. Ngày 12/10, Ấn Độ đã yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal thực hiện các bước tổ chức một phiên họp khẩn cấp của Nghị viện để thảo luận về tác động bất lợi của RCEP đối với Ấn Độ. Phía Ấn Độ cho rằng FTA khu vực này không chỉ ảnh hưởng đến ngành sữa mà còn có tác động tiêu cực đến các ngành khác trong sản xuất và nông nghiệp như công nghiệp kim loại, hồ tiêu, thảo quả và dừa cao su.

Ấn Độ đã đề xuất áp dụng cơ chế kích hoạt thuế quan tự động để tự vệ trước bất kỳ sự gia tăng đột ngột nào về nhập khẩu từ các nước thuộc nhóm RCEP, đặc biệt là Trung Quốc có thâm hụt thương mại 53,6 tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tin rằng việc kích hoạt tự động dựa trên khối lượng trên 100-200 mặt hàng dường như không thể bảo vệ nước này trước sự gia tăng đột ngột trong nhập khẩu từ các thành viên RCEP.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: