Điểm tin

Myanmar: Thị trường hấp dẫn

20 tháng 11. 2019

Với gần 60 triệu dân, hầu hết các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng đều phải nhập khẩu, Myanamar thực sự là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu kim ngạch 1 tỷ USD

Hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar đang trên đà phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là về thương mại và đầu tư. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Myanmar đạt khoảng 860 triệu USD, tăng 3,8% so với năm 2017 và đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Myanmar. Trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 700 triệu USD.

Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Myanmar. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Myanmar các mặt hàng: Phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và dây cáp điện; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hàng rau, quả, cao su, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ từ Myanmar.

Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi cấp cao, lãnh đạo hai nước cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư, đảm bảo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tăng mạnh đầu tư hai chiều.

Một trong những hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả để đưa các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Myanmar là việc tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam tại thị trường này được tổ chức thường niên từ năm 2009. Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2019 sẽ tiếp tục tổ chức từ ngày 19- 22/12/2019 tại thành phố Yangon, Myanmar.

“Miền đất hứa”

Trong những năm gần đây, thị trường Myanmar càng trở nên đặc biệt hấp dẫn, thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tới làm ăn, kinh doanh. Đó là nhờ vào việc Myanmar đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách, mở cửa liên quan đến thương mại và đầu tư, hướng tới việc phát triển một nền kinh tế bền vững. Điều được thể hiện ở việc ban hành Luật đầu tư mới 2016 và Luật doanh nghiệp 2017 có hiệu lực thi hành vào tháng 8/2018. Điểm nổi trội nhất của Luật doanh nghiệp 2017 là nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 35% cổ phần trong doanh nghiệp bản địa và có thể thực hiện chức năng kinh doanh, điều mà trước đây nhà đầu tư nước ngoài không được phép.

Với 18 dự án lớn và tổng vốn đăng ký đạt gần 2,3 tỷ USD đã giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Trong đó, nổi bật nhất là dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngoài ra, còn có dự án đầu tư của các tập đoàn lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… Hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Myanmar như: FPT, VNPT, Đông Á, Minh Đức, Eurowindow...

Qua thực tiễn triển khai tìm hiểu đầu tư tại thị trường Myanmar, nhiều doanh nghiệp nhận định rằng, để triển khai hoạt động kinh doanh thành công từ “mỏ vàng” châu Á, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải xác định đầu tư dài hạn, từng bước tạo dựng uy tín, vị thế cho doanh nghiệp.

Trong chuyến thăm Myanmar hồi tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Myanmar đang tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại đây sẽ gặp những gian nan, nhưng nếu “bền chí”, “cắm chốt” thì sẽ có nhiều cơ hội để tạo dựng thương hiệu và thành công khi thời gian tới sẽ là chu kỳ phát triển của Myanmar”.

Muốn thành công ở Myanmar, doanh nghiệp cần có sự đầu tư dài hơi, có chiến lược dài hạn và kiên nhẫn với thị trường này.

Nguồn Báo Công Thương
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: