Điểm tin

Campuchia 'gồng mình' trước nguy cơ bị EU rút ưu đãi EBA

06 tháng 12. 2019

Chính phủ Campuchia thông báo đã dự trữ 3 tỉ USD trong một nỗ lực nhằm đương đầu với khả năng bị Liên minh châu Âu (EU) ngừng ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) vào tháng 2/2020.

Tờ Phnom Penh Post mới đây dẫn lời Vụ trưởng Ngân sách Tổng hợp thuộc Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia Hav Ratanak trong một cuộc họp tại Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nhấn mạnh: “Chính phủ không chi hết thu nhập từ nguồn thu thuế. 

Nhà nước đã có đủ dự trữ để đối phó với khả năng khủng hoảng trong tương lai. Cho tới nay, Nhà nước và Thủ tướng đã nâng mức dự trữ lên 3 tỷ USD để giảm nhẹ bất kỳ cú sốc nào từ nguy cơ bị rút EBA”.

Phó Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia Phan Phalla khẳng định Campuchia đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong suốt hơn 2 thập kỷ và ít có một quốc gia nào trong khu vực đạt được tốc độ phát triển như Campuchia.

Nhận định về tác động có thể xảy ra nếu EU ngừng ưu đãi thương mại EBA với Campuchia cũng như đà suy thoái kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, ông Phan Phalla nói tốc độ tăng trưởng kinh tế Campuchia có thể tụt xuống mức 6,5% trong năm 2020. 

Tuy nhiên, ông Phalla khẳng định tốc độ tăng trưởng này vẫn là chỉ dấu cho thấy sức mạnh của Campuchia và sự chuẩn bị sẵn sàng của chính phủ.

Giảng viên khoa kinh tế thuộc trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh Kim Veara nhận định việc phân bổ dự trữ ngân sách 3 tỷ USD là tín hiệu tích cực, phản ánh cam kết bảo vệ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Campuchia.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Ngân hàng Acleda In Channy nói rằng khu vực ngân hàng Campuchia vẫn vững mạnh và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ ngừng ưu đãi EBA. 

Ông In Channy nói: “Tôi cho rằng EBA sẽ không gây trở ngại tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế, vì nó chỉ là một trong những nhân tố đóng góp vào sự phát triển. Tất cả các nhà đầu tư điều hiểu đến một ngày nào đó, ưu đãi EBA cũng sẽ kết thúc.

Điều quan trọng là sự vững mạnh của khung điều hành kinh tế sẽ tạo sự bền vững của dòng đầu tư vào Campuchia bởi nền kinh tế của chúng ta vẫn mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng gần 8% trong suốt hai thập kỷ qua.

Một nhân tố quan trọng là quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta với Trung Quốc. Chính phủ mới thông báo chúng ta sẽ ký Hiệp định tự do thương mại song phương (với Trung Quốc) trong tháng 12 này. Campuchia sẽ được hưởng lợi từ quan hệ đối tác này và nó sẽ củng cố tính bền vững của nền kinh tế trong dài hạn”.

Trong một động thái khác nhằm củng cố sức mạnh kinh tế vĩ mô, Chính phủ Campuchia thông báo kế hoạch tăng thu ngân sách từ thuế và thuế nhập khẩu khoảng hơn 20% kể từ năm 2020.

Luật ngân sách 2020 được Campuchia thông qua hôm 26/11 đặt mục tiêu tăng 28,1% thuế nhập khẩu và thuế nội địa, đạt khoảng 2,87 tỷ USD, tương đương 17,72% GDP. Trong đó, riêng nguồn thu từ thuế nội địa sẽ tăng 21,3% lên hơn 2,33 tỷ USD, chiếm 7,93% GDP. Nội dung Luật ngân sách 2020 nhấn mạnh Chính phủ Campuchia sẽ không áp những loại thuế mới hay tăng các biểu thuế hiện tại.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 10/2019, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế thuộc Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia Kong Vibol nói rằng những cải cách nhằm hiện đại hóa Tổng Cục Thuế như việc áp dụng hệ thống thu thuế điện tử sẽ là động lực chính để tăng thu ngân sách Campuchia.

Trong một diễn biến liên quan, trang mạng Fashion United của Vương quốc Anh mới đây nhận định, khoảng 90.000 công nhân dệt may của Campuchia có thể bị mất việc làm nếu EU đề xuất các lệnh trừng phạt thương mại, bởi điều này sẽ khiến các thương hiệu thời trang phải tìm lực lượng sản xuất ở nơi khác do lo ngại các nhóm công đoàn.

Hiện tại, Campuchia đang được hưởng ưu đãi từ chương trình EBA từ năm 2001, cho phép 49 quốc gia nghèo nhất thế giới xuất khẩu miễn thuế vào các thị trường thuộc khối EU, tương tự một phần của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Tuy nhiên, ngày 11/2/2019, EU tuyên bố Campuchia có thể không được hưởng chế độ ưu đãi do vi phạm các tiêu chuẩn của khối trong các lĩnh vực cơ bản.

Điều này sẽ gây tác động nghiêm trọng cho ngành dệt may, ngành lớn nhất của Campuchia với lực lượng lao động hơn 700.000 người, tạo ra 7 tỷ USD mỗi năm, trong đó thị trường EU chiếm 45% giá trị trong năm 2018. Con số này sẽ bị thu nhỏ sau khi EU bắt đầu một quá trình áp dụng thuế quan mới vào tháng 8/2020.

Việc áp thuế trở lại sẽ dẫn đến hậu quả tài chính mà ít doanh nghiệp quốc tế nào sẵn sàng chấp nhận. Theo hãng tin Reuters, một số doanh nghiệp tại Campuchia đã lên kế hoạch rời khỏi nước này. 

David Savman, người phụ trách sản xuất tại Công ty thời trang H&M của Thụy Điển với khoảng 50 nhà máy ở Campuchia, đã xác nhận rằng công ty sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh nếu lợi ích thương mại tại quốc gia Đông Nam Á chấm dứt. Nguồn cung ứng thay thế có thể là Trung Quốc và Indonesia.

Nguồn BNEWS/TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: