Điểm tin

Nguy cơ độc quyền RCEP, nếu mất thế "chân vạc"

06 tháng 12. 2019

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Hideki Makihara cho biết, Nhật Bản có khả năng sẽ không ký RCEP nếu vắng mặt Ấn Độ. Nguyên nhân được Tokyo đưa ra là sự có mặt của quốc gia này trong RCEP mang ý nghĩa lớn về cả khía cạnh kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia đối với Nhật Bản.

Theo Thứ trưởng Nhật Bản: "Chúng tôi vẫn chưa suy nghĩ gì đến việc ký kết. Tất cả những gì chúng tôi đang nghĩ đến là đàm phán ký kết RCEP phải bao gồm cả Ấn Độ. Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Ấn Độ tham gia Hiệp định này”.

Có thể thấy, trong những năm qua, mối quan hệ của Nhật Bản và Ấn Độ đã không ngừng được củng cố trong. Hai nước đang hướng tới khuôn khổ quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt. Bên cạnh những lợi ích về thương mại, cả Tokyo và New Delhi đang nỗ lực cùng nhau cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Theo tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan - chuyên gia kinh tế của Ấn Độ nhận định, mong muốn chung của Nhật Bản và Ấn Độ là tạo ra một châu Á không bị chi phối bởi một quốc gia duy nhất và để thấy sự xuất hiện của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đa cực, tự do, cởi mở và bao trùm khi cả hai quốc gia đều nhận thấy cách tiếp cận của Trung Quốc trong khu vực là độc quyền.

Tương tự, khi tham gia RCEP, sự nhiệt tình của Trung Quốc trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định đã mang lại thái độ dè dặt cho các thành viên khác, cụ thể là Ấn Độ. Lo lắng của các quốc gia này là hoàn toàn có cơ sở do Trung Quốc là cường quốc lớn nhất trong RCEP; đồng thời, thông qua Hiệp định này, hàng hóa từ Trung Quốc có khả năng mở rộng thị trường sang Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản thay thế cho thị trường Mỹ đang suy giảm do thương chiến.

Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên các đối tác thương mại của mình, có được các cảng hàng hải chiến lược thông qua các khoản vay, đồng thời đe dọa sẽ gỡ bỏ đầu tư nếu một số quốc gia không tuân theo các yêu cầu của Bắc Kinh.

Lịch sử và hiện tại đều cho thấy đã cho thấy Trung Quốc có quá nhiều toan tính riêng. Chính vì vậy, sau khi Ấn Độ rời khỏi Hiệp định, các cường quốc còn lại, trong đó có Nhật Bản đang lo ngại Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng lớn của nước này để vận động các nước khác đồng ý các điều khoản do nước này đề xuất. 

Mặc dù vậy, có một số ý kiến cho rằng, các quốc gia cần nhận thức được Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực không chỉ là một "trò chơi đối xứng" về lợi ích mà các quốc gia có thể có được, mà còn là cơ hội để định hình các chuẩn mực và thái độ của một khu vực rộng lớn trên thế giới.

Khi đàm phán RCEP, châu Á đã chọn sự cởi mở đối với chủ nghĩa bảo hộ, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và đoàn kết thay vì nghi ngờ. Khu vực này đã gửi một tín hiệu rõ ràng cho thế giới rằng châu Á vẫn rất mở cửa cho kinh doanh.

Điều này được chứng thực qua việc duy trì khu vực kinh tế mở đã giúp tỷ lệ đóng góp vào GDP toàn cầu của khu vực Đông Á tăng vọt từ 15% đến 30% kể từ năm 1980, trong khi Nam Á bị kẹt trong khoảng 3% đến 4%.

Theo Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia Singapore, Teo Chee Hean, các quốc gia bao gồm Ấn Độ nên đặt tầm nhìn từ 10 đến 15 năm nữa về những lợi ích mà RCEP sẽ mang lại. Do đó, việc rời khỏi Hiệp định đồng nghĩa với việc mất đi một cơ hội thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản sẽ không có ý định rời bỏ RCEP khi quốc gia này vẫn lựa chọn phương án thuyết phục Ấn Độ quay lại Hiệp định. Mặt khác, nền kinh tế của Ấn Độ đang không ở trong tình trạng tốt nhất.

Cả hai lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất của Ấn Độ đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ New Zealand và Úc, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu sữa. Việc tham gia RCEP sẽ mang lại ưu thế khi tận dụng quy mô to lớn của thị trường tiêu dùng cũng như chuỗi cung ứng hiện đại, tinh vi và chi phí thấp nhất trên thế giới.

Là những nền kinh tế lớn trong khối RCEP, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đóng góp quan trọng về kinh tế cũng như chính trị trong Hiệp định. Nhưng nếu RCEP không bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản sẽ không còn là một hiệp định thương mại hấp dẫn như trước đây.

Cùng với đó, các quốc gia cần tìm ra cách thức cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tạo dựng một sân chơi công bằng cho tất cả.

Nguồn Enternews
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: