Điểm tin

Thái Lan muốn giành lại vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

17 tháng 02. 2020

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan mới đây tổ chức một cuộc họp với các cơ quan liên quan và các nhà xuất khẩu gạo để tìm những biện pháp giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Phát biểu sau cuộc họp với các đại diện của Vụ Ngoại thương, Vụ Lúa gạo, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) và những người bán lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Praphat Phothasoothon cho biết các cơ quan và doanh nghiệp đã nhất trí giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay trong xuất khẩu gạo.

Thái Lan hiện không có những giống lúa mới vốn đang có nhu cầu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan lại vấp phải sự cạnh tranh mạnh hơn từ Việt Nam và Campuchia. Ngoài ra, Myanmar cũng dự kiến sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong tương lai.

Tình hình này đã khiến cho xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm xuống 7,5 triệu tấn trong năm 2019 so với mức thông thường hàng năm là 10 triệu tấn.

Theo Cơ quan Thông tin Quốc gia Thái Lan (NNT), hầu hết các giống lúa của nước này đều cho gạo trắng và cứng vốn không còn nhu cầu ở thị trường nước ngoài. Các cơ quan liên quan sẽ làm việc để cải thiện các giống lúa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trong cuộc họp nói trên, các cơ quan liên quan đã được giao nhiệm vụ lập kế hoạch ứng phó với hạn hán và quy hoạch diện tích trồng lúa để thực hiện trong vụ tới, bắt đầu từ khoảng tháng 5/2020.

Bên cạnh những giống lúa mới được giới thiệu gần đây, Vụ Lúa gạo được giao nhiệm vụ đẩy nhanh nghiên cứu những giống lúa mới nhằm đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của khách hàng. Các dự án nghiên cứu này sẽ nhận được tài trợ của chính phủ.

Đối với những khu vực không phù hợp cho canh tác lúa, Vụ Phát triển Vật nuôi sẽ triển khai một chiến dịch chuyển đổi nghề nghiệp kéo dài trong 3 năm. Điều này sẽ giúp giảm bớt số diện tích trồng lúa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cung tác động đến giá gạo.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với trên 25% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, Chủ tịch TREA Charoen Laothamatas gần đây nhận định Thái Lan có nguy cơ để mất vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới vào tay Việt Nam trong năm 2020.

Ông Charoen lý giải nguy cơ Thái Lan tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là do sự cạnh tranh khắc nghiệt, chi phí sản xuất tương đối cao hơn so với các đối thủ, thị trường ngoại hối biến động và hạn hán trên diện rộng.

Ngoài ra, những giống lúa mà Thái Lan xuất khẩu trong 30 năm qua không có sự thay đổi dù trên thực tế nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng đang thay đổi.

Chủ tịch danh dự TREA Chookiat Ophaswongse nhận xét những nhân tố rủi ro đối với triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan bao gồm đồng nội tệ mạnh, hạn hán trên diện rộng, lượng tồn kho lớn của Trung Quốc cũng như việc Việt Nam tiếp tục phát triển những giống lúa mới, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng mềm.

Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ baht (hơn 4,2 tỷ USD), giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm trước đó.

TREA đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2020, với tổng giá trị 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua, kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.

Theo Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Keerati Rushchano, xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm 2019 là do đồng baht tăng giá khiến cho giá gạo của Thái Lan cao hơn với giá của các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Thái Lan thiếu sự đa dạng trong các giống lúa để cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Do khẩu vị của khách hàng đã thay đổi nên Chính phủ Thái Lan muốn phát triển các giống lúa cho gạo mềm như Kor Khor 79 với chất lượng tốt và sản lượng cao. Các quan chức cũng muốn gạo cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ./.

Nguồn: TTXVN
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: