Điểm tin

Malaysia tăng trưởng khá trong khu vực ASEAN

17 tháng 02. 2020

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali ngày 15/2 nhận định, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2019 đạt cao hơn một số nước láng giềng, giữa lúc một số nước thành viên ASEAN đều không đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra trước đó.

Người đứng đầu Bộ Kinh tế Malaysia dẫn chứng trường hợp của Singapore, Philippines và Indonesia. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Singapore chỉ đạt 0,7%, mức thấp nhấp trong thập kỷ qua, trong khi Kinh tế Philippines tăng ở mức 5,9%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,0-6,5%. Với tỷ lệ tăng trưởng GDP 5,02% năm 2019, Indonesia cũng không hoàn thành mục tiêu đặt ra là 5,3%.

Ông Azmin cho rằng đây cũng là xu hướng chung được ghi nhận tại các nền Kinh tế khác ở châu Á. Theo quan chức này, hiệu suất chung của nền Kinh tế Malaysia bị ảnh hưởng do đà tăng trưởng chậm lại của Kinh tế toàn cầu cũng như sự suy giảm trong hoạt động thương mại quốc tế.

Về triển vọng tăng trưởng Kinh tế trong năm 2020, Bộ trưởng Azmin nhận định tăng trưởng Kinh tế của Malaysia có thể bị ảnh hưởng do sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo ông, những lĩnh vực bị ảnh hưởng bao gồm du lịch, vận tải và công nghiệp gia công.

Bộ trưởng Azmin cũng khẳng định nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và đảm bảo phúc lợi cho người dân, Chính phủ Malaysia đã triển khai các biện pháp tích cực, bao gồm thúc đẩy các hoạt động Kinh tế nội địa cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, điện và điện lạnh, dầu cọ và các sản phẩm liên quan.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ công bố gói kích cầu Kinh tế, cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ tăng trưởng Kinh tế. Đáng chú ý, theo ông Azmin, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục giảm phí đường bộ cũng như ổn định giá xăng dầu nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa.

Trước đó, ngày 12/2, Ngân hàng Trung ương Malaysia công bố báo cáo Kinh tế năm 2019, theo đó GDP của quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạt 4,3% - mức thấp nhất trong 10 năm qua. Theo báo cáo này, xuất khẩu yếu kém cùng với nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm Kinh tế của Malaysia. Trong quý IV/2019, Kinh tế Malaysia chỉ tăng trưởng 3,6%.

Báo cáo trên cũng chỉ rõ trong năm ngoái, Kinh tế Malaysia đã được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực tư nhân đúng kế hoạch cũng như chi tiêu cao cho lĩnh vực công.

Nguồn: Báo Quốc Tế
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: