Điểm tin

Hàng triệu lao động ở Đông Nam Á có nguy cơ mất việc làm

06 tháng 04. 2020

Hàng triệu lao động ở Đông Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột dừng lại.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), hàng triệu lao động ở Đông Nam Á có thể bị mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột dừng lại, do chính phủ các nước trong khu vực tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, Tổ chức lao động quốc tế hồi giữa tháng Ba đưa ra dự báo gần 25 triệu lao động trên toàn thế giới có thể bị mất việc làm.
ESCAP cho rằng trong khi chưa có dữ liệu chính xác về tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực tuyển dụng, nhưng ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi lĩnh vực dịch vụ và chế tạo sản xuất cần nhiều lao động tạo nên 80% khu vực phi chính thức và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Những doanh nghiệp này tạo ra phần lớn công ăn việc làm trong khu vực. Với những nước có hệ thống bảo trợ xã hội yếu kém, ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng. Vì vậy, chính phủ các nước trong khu vực cần phải có không gian chính sách rộng rãi để vừa cứu vãn công ăn việc làm vừa hỗ trợ đảm bảo mức sống tối thiểu cho các hộ gia đình.

Mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã công bố một báo cáo trong đó dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020 trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực với Trung Quốc.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia được cho là giảm từ 5% năm 2019 xuống còn 2,5% trong năm 2020, Thái Lan -4,8%, Việt Nam giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 4,8% năm 2020, trong khi Singapore chỉ đạt 0,2%.

Trong bối cảnh này, một số nước trong khu vực đã đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ hàng loạt cho người lao động thất nghiệp mới từ các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn và ngành may mặc. Ví dụ, Thái Lan hỗ trợ 5.000 baht/tháng trong 3 tháng cho khoảng 9 triệu lao động tự do và phi chính thức.

Trong khi đó, trong khoản ngân sách bổ sung  của Singapore trị giá khoảng 48 tỷ đô la Singapore (SGD), một phần đã được trích ra để chi trả cho người lao động thất nghiệp 800 SGD/tháng trong 3 tháng để giúp họ tìm việc làm mới hoặc đào tạo nghề.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 khiến cho triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn. Tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó./.

Nguồn: BNews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: