Điểm tin

Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang ASEAN

04 tháng 05. 2020

Nhật Bản sẽ triển khai chương trình trợ cấp để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài sang Đông Nam Á, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã phá vỡ rất nhiều chuỗi cung ứng mà các nhà sản xuất này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.​

Theo hãng Kyodo, chương trình 23,5 tỉ yên (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích khẩn cấp của chính phủ nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế do đại dịch, sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như nghiên cứu khả thi ở các nước ASEAN .

Sáng kiến ​​này được đưa ra sau khi nhiều nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất khác bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

Để tránh những rủi ro khác liên quan đến việc phụ thuộc nặng nề vào sản xuất ở Trung Quốc, các công ty và nhà sản xuất Nhật Bản đã tìm cách chuyển hướng đặt cơ sở sang ASEAN trong chiến lược “Trung Quốc +1”.

“Ngay cả trước khi virus bùng phát, các công ty Nhật Bản có nhu cầu ngày càng tăng để thiết lập các cơ sở sản xuất ở khu vực ASEAN. Chương trình trợ cấp sẽ giúp nước ta xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nước ASEAN” - một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.

Trong một nỗ lực khác để củng cố chuỗi cung ứng, chính phủ Nhật Bản sẽ chi 220 tỉ yên (hơn 2 tỉ USD) để thúc đẩy sản xuất nội địa các mặt hàng hiện đang được nhập khẩu nhiều từ một số khu vực nhất định. Cũng nằm trong gói kích thích nói trên, các khoản trợ cấp sẽ hỗ trợ tài chính cho việc di dời các địa điểm sản xuất ở nước ngoài về trong nước.

Chương trình cũng sẽ nhắm vào những nhà sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho người dân Nhật Bản để “sống một cuộc sống lành mạnh” trong bối cảnh đại dịch, bao gồm khẩu trang và thuốc khử trùng. Các công ty này có thể nhận được trợ cấp khi họ mở thêm nhà máy hoặc tăng công suất đầu ra hiện tại ở Nhật Bản.

Các khoản trợ cấp sẽ chi trả tới 2/3 khoản đầu tư vào việc thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng thiết yếu cho các công ty lớn và 3/4 cho các công ty vừa và nhỏ, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hiệp hội Công nghiệp Sản phẩm Vệ sinh Nhật Bản cho biết, khoảng 80% khẩu trang trong nước năm 2018 được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Khẩu trang đã trở nên khan hiếm kể từ khi COVID-19 bùng phát, khiến Thủ tướng Abe Shinzo phải khởi động một chương trình phân phối khẩu trang vải trên toàn quốc.

Theo dữ liệu thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, phụ tùng xe hơi từ Trung Quốc chiếm 36,9% tổng nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2019, trong khi điện thoại cầm tay từ nước láng giềng Châu Á chiếm 85,5% tổng giá trị nhập khẩu.

Khoản chi cho hai chương trình trợ cấp nói trên đã được đưa vào ngân sách bổ sung 25,69 nghìn tỉ yên (234 tỉ USD) cho năm tài khóa 2020.

Ông Takahiro Fujimoto, giáo sư Trường Kinh tế, Đại học Tokyo, cho biết, ở một mức độ nào đó, các chương trình trợ cấp là hợp lý xét từ góc độ dài hạn vì sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản đạt được sự cân bằng sản xuất tốt hơn giữa Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.

Nhưng ông Fujimoto, người thành thạo trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản, đã chỉ ra rằng việc đa dạng hóa và nội địa hóa các cơ sở sản xuất toàn cầu của họ không nên được thúc đẩy nếu nó có thể làm giảm lợi thế chi phí của các công ty. “Điều quan trọng là làm cho hệ thống sản xuất vừa cạnh tranh vừa thích nghi với thảm họa - ông Fujimoto nói.

Nguồn: Báo Lao động

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: