Điểm tin

Gọi vốn ngoại: Việt Nam hấp dẫn nhưng không phải duy nhất

01 tháng 06. 2020

Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng nếu cứ thủng thẳng, từ từ như trước. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực đã có những chiến lược thu hút vốn rất cụ thể và ưu đãi khủng để mời gọi nhà đầu tư.

Những tháng gần đây, Wolfram Gruenkorn, Chủ tịch Hội đồng WTS Tax Vietnam nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại mong muốn dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam.

“Chúng tôi không thể tiết lộ tên của các doanh nghiệp này", ông Wolfram Gruenkorn nói với TBKTSG Online.

Dù vậy, những tên tuổi lớn mong muốn chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam đã xuất hiện trên mặt báo. Mới đây, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất lớn tại Bangkok trong mùa thu tới và chuyển hoạt động sản xuất này sang nhà máy tại Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực của tập đoàn điện tử Nhật nhằm giảm chi phí sản xuất.

Khi chiến tranh thương mại là thông tin chiếm chủ đạo trên mặt báo hồi cuối năm 2019, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Hậu Covid 19 sẽ là lúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển này hơn. 

Hãng tin Asian Nikkei Review cho biết, Google và Microsoft đang nhắm tới Việt Nam và Thái Lan để sản xuất các dòng điện thoại đời mới như máy tính xách tay và các sản phẩm khác, trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn tiếp tục lan rộng. 

Google được cho là sẽ sản xuất dòng điện thoại Pixel 4A và 5A tại Việt Nam. Trong khi Microsoft cũng có kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm máy tính bảng và máy tính cá nhân ở phía Bắc của Việt Nam sớm nhất là trong quý 2 năm nay.

Theo người đứng đầu WTS tại Việt Nam, công ty thuộc WTS Group, tập đoàn tư vấn quốc tế về thuế, pháp lý, có trụ sở tại Đức, rất nhiều lý do khiến các tập đoàn đa quốc gia phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của mình. 

Thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam - EU.

“EVFTA là động lực để các doanh nghiệp châu  u dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam", ông Wolfram Gruenkorn nói. “Nền kinh tế thế giới đang trở nên vô cùng bất định. Thương chiến chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tác động của Covid 19 tới chuỗi cung ứng tiếp tục hằn sâu, EVFTA trở thành một hiệp định mang tính chắc chắn và tin cậy đối với nhà đầu tư".

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam là nước thứ hai có hiệp định thương mại tự do với EU sau Singapore, nơi không phải là nước sản xuất. “Việt Nam chính là nơi bù đắp một phần công xưởng của Trung Quốc, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, mang lại giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ gia công đơn thuần", bà Lan kỳ vọng.

Tuy vậy, chắc chắn Việt Nam không phải là nước duy nhất nằm trong danh sách điểm đến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Gần đây, các quốc gia trong khu vực đã có những chính sách mạnh tay nhằm hút nguồn vốn từ châu  u, Mỹ muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Mới đây, theo Nikkei Asean Review, chính phủ Ấn Độ, thông qua đặc sứ quốc tế của mình, đã liên hệ với hơn 1.000 công ty Mỹ để mời gọi họ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Nam Á này. 

Mục đích họ đưa ra rất cụ thể: mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế, sản xuất thực phẩm, may mặc, da giày và phụ tùng ô tô. Đổi lại chính quyền Ấn Độ cũng hứa sẽ cân nhắc sửa đổi những yêu cầu đặc biệt như sửa đổi bộ luật lao động, hoãn thuế đối với các giao dịch điện tử.

Hay theo trang The Policy Times, Indonesia đã dành khoảng 4.000 héc ta đất tại khu công nghiệp Brebes thuộc Central Java để đón 27 nhà máy của Mỹ dịch chuyển sang quốc gia này. 

Ưu đãi khủng, cùng với việc chuẩn bị quỹ đất sạch, đối thoại trực tiếp với Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo của công ty hàng đầu nước Mỹ chỉ là một vài biện pháp nổi bật mà chính quyền Tổng thống Indonesia, Joko Widodo thực hiện nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư.

Nói về những chính sách thu hút FDI của Việt Nam so với các quốc gia khác, ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Nghị quyết 50 của Bộ Chính Trị về thu hút FDI giai đoạn mới đã xác định chủ trương, giải pháp tạo điều kiện nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận: “Từ chủ trương chính sách đến thực tế có khoảng cách. Để có hiệu quả tốt nhất phụ thuộc vào hệ thống công chức và sự đồng lòng quyết tâm của doanh nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng: “Nghị quyết là chuẩn, là nền để chúng ta thực hiện, nhưng nếu chúng ta cứ từ từ, hành động thủng thẳng như trước đây thì sẽ bỏ lỡ cơ hội (thu hút FDI - PV) 100 năm mới có một lần”.

Là đơn vị tư vấn thuế và các thủ tục pháp lý cho các tập đoàn đa quốc gia, ông Wolfram Gruenkorn cho rằng, ngoài các yếu tố liên quan tới ưu đãi đầu tư, các công ty còn kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và trình độ quản trị của nước tiếp nhận đầu tư. 

“Ngoài đánh giá về tình hình kinh tế xã hội ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư còn kỳ vọng vào sự phát triển tương lai của đất nước. Thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid 19 đã chứng minh về khả năng điều hành của Việt Nam. 

Hy vọng rằng, chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong các vấn đề như ô nhiễm môi trường, giao thông công cộng, thủ tục hành chính, đảm nền kinh tế tăng trưởng”

Chuỗi cung ứng sẽ thay đổi như thế nào?

Nhìn ở góc độ khu vực, ông Eugene Lim, Chủ tịch Taxise Asia LLC (WTS Taxise) tại Singapore, cho hay, các công ty đa quốc gia sẽ phải suy nghĩ về mô hình chuỗi cung ứng tập trung, hiệu quả, tiết kiệm chi phí sang mô hình phân tán, giảm thiểu rủi ro nhưng vẫn phải đảm bảo chi phí, lợi nhuận và sức cạnh tranh.

Trong thời gian tới, theo ông Eugene Lim, các công ty thay vì đặt nhà máy lớn, tập trung tại Trung Quốc, sẽ tìm kiếm và xây dựng nhiều nhà máy nhỏ tại những nơi gần thị trường tiêu thụ chính.

Các nhà máy cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất như in 3D, trí tuệ nhân tạo AI, blockchain nhằm duy trì khả năng cạnh tranh mà không phải tăng quy mô sản xuất.

“Căng thẳng thương mại, cân bằng cán cân kinh tế hướng tới các thị trường mới nổi là động lực buộc các công ty áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng Trung Quốc + 1 hoặc không Trung Quốc", ông Eugene Lim nói.

Tuy nhiên, theo ông Eugene Lim điều này cũng đòi hỏi các công ty phải đầu tư hơn về mặt thủ tục pháp lý để đảm bảo tuân thủ thuế, và quy định pháp lý khác. Đồng thời, áp dụng đúng quy định để được hưởng lợi từ ưu đãi thu hút đầu tư cũng như các hiệp định thương mại mà nước tiếp nhận đã ký kết sẽ giúp doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng lên.

Ông Eugene Lim cho rằng, ASEAN đang ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng kinh tế chung ASEAN và các sáng kiến hội nhập trong khu vực sẽ giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: