Điểm tin

Điêu đứng vì đường Thái Lan nhập khẩu, doanh nghiệp nội cầu cứu

02 tháng 12. 2020

Ngành mía đường trong nước đang đối diện với cú sốc từ thị trường thế giới sau khi Việt Nam thực hiện cam kết ATIGA...

Kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn.

NGHI VẤN ĐƯỜNG THÁI LAN BÁN PHÁ GIÁ

Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" ngày 1/12, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, ngành mía đường chấp nhận hội nhập, và thực tế cho thấy năng suất, trình độ sản xuất của ngành không thua kém các nước. Tuy vậy, lượng đường nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt tới 1,3 triệu tấn, chủ yếu từ Thái Lan.

Đáng chú ý là giá bán đường nhập ngoại ở Việt Nam còn thấp hơn cả giá mua mía tại Thái Lan, không có sòng phẳng và công bằng hội nhập. Thực tế này dẫn tới, 15/40 nhà máy sản xuất bị phá sản, dừng hoạt động, khiến cho diện tích trồng mía của người dân giảm. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thừa nhận, cái khó của ngành mía đường Việt Nam đang phải cạnh tranh với đối thủ lớn là Thái Lan.

Ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào. 

Các doanh nghiệp đường Thái Lan tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa. Với những lợi thế trên, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn và tất nhiên doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh khi giá đường cao so với đường Thái Lan.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). 

Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019.

BẢO VỆ DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trước đó, tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

"Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho hay.

KIẾN NGHỊ THÊM LOẠT GIẢI PHÁP

Mặc dù vậy, phía Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng, Chính phủ các nước ASEAN vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu giá rẻ trên thị trường quốc tế được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Chính phủ Thái Lan chưa cho phép nhập khẩu đường, còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập đường tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước và chỉ cho phép đường nhập khẩu được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.

Tại ba nước này, nông dân trồng mía được hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận (profit sharing) với nhà máy nhằm bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía. Điều đó có nghĩa giá đường cao thì người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho rằng, không có quốc gia nào trong 120 quốc gia sản xuất đường trên toàn cầu lấy giá đường niêm yết thế giới (7.000 - 8.000 đồng/kg) làm chuẩn thước đo cho giá sản xuất. Họ lấy mức giá đó làm cơ sở để xây dựng các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, trợ giá và trợ cấp để bảo vệ ngành mía đường trong nước.

Trong khi đó, giá đường Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận trong khu vực, chỉ bằng 60% so với Trung Quốc, 70% giá đường của Philippines và 80% giá đường của Indonesia. Giá đường bán buôn tại thị trường nội địa của Việt Nam chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít so với giá đường bán buôn bình quân trên thế giới nhưng đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

Ông Đặng Việt Anh kiến nghị, các cơ quan ban ngành tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam được bán mía với giá tương đồng Thái Lan, Indonesia và Philippines  - những quốc gia cùng tham gia ATIGA (khoảng 1.200.000 đồng/ tấn). Theo ông Việt Anh, nếu được bán với mức giá đó, ngành mía đường Việt Nam sẽ phục hồi sớm trong khoảng vài năm tiếp theo.

Bà Trần Thị Yến, nông dân trồng mía tại Phú Yên cũng kiến nghị doanh nghiệp mua mía tại ruộng với giá tối thiểu 900 đồng/ kg; Cơ chế cho vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi cho nông dân trồng mía.

Bên cạnh đó, kiến nghị Nhà nước và các cơ quan ban ngành có biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn đường nhập lậu, siết chặt phòng vệ thương mại để ổn định thị trường đường trong nước.

Nguồn: VnEconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: