Điểm tin

Châu Á-Thái Bình Dương: Lá cờ đầu trong xu thế hội nhập

02 tháng 01. 2018

Năm 2017 được xem là một năm đầy trắc trở của tiến trình tự do hóa thương mại với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước tiên,” chủ trương tăng cường bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế cũng như việc làm của người Mỹ.

Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã hiện thực hóa chính sách này bằng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đẩy một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng từng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy việc làm, tăng trưởng bền vững và tiến bộ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tình thế bấp bênh.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng được coi là nguy cơ hàng đầu đối với sự tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo các nền kinh tế khu vực đã có một năm hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại.

Sự hồi sinh của “hiệp định thương mại vàng”

Có thể coi sự kiện 11 nước tham gia ký TPP (trừ Mỹ) ký kết văn kiện nền tảng về hợp tác, đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa qua tại Việt Nam, là điểm nhấn của quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu trong năm 2017.

CPTPP không những được xem là sự hồi sinh ngoạn mục của TPP, mà còn cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong việc đẩy mạnh hợp tác và hội nhập. Cái tên mới của thỏa thuận không chỉ phản ánh ý chí của 11 nước trong việc đẩy nhanh đàm phán, đảm bảo hiệp định có chất lượng và cân bằng lợi ích các bên, mà còn hướng tới sự phát triển tích cực, tiến bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì Họp báo về kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Nguồn: TTXVN)

Với việc hầu như giữ nguyên nội dung TPP và duy trì đa số các cam kết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, thu mua và đầu tư, CPTPP được coi là bước tiếp nối của TPP theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế,… 

Bên cạnh đó, mặc dù nhỏ hơn về quy mô, sức mạnh kinh tế lẫn kim ngạch thương mại đa phương so với TPP do thiếu sự tham gia của Mỹ, song CPTPP được đánh giá là có tính khả thi cao vì các bên đã nhất trí tạm hoãn thực thi những nội dung còn gây tranh cãi hoặc có xung đột lợi ích.

Tổng cộng có 20 điều khoản của TPP được “đóng băng,” tạm rút khỏi CPTPP, đa số đều do Mỹ đề xuất và phần lớn liên quan tới các vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư và sở hữu trí tuệ. Biện pháp này nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các nước tham gia CPTPP, vốn có trình độ phát triển và quy mô thương mại không đồng đều, trong khi vẫn để ngỏ khả năng thu hút nền kinh tế số một thế giới tham gia lại thỏa thuận này.

CPTPP không những được xem là sự hồi sinh ngoạn mục của TPP, mà còn cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong việc đẩy mạnh hợp tác và hội nhập.

Đối với Mỹ, việc để vuột mất cơ hội mở rộng sang thị trường tiềm năng và rộng lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 500 triệu dân, trong khi lựa chọn đàm phán song phương FTA với từng quốc gia, chắc chắn sẽ khiến Washington mất nhiều nỗ lực hơn để có thể hoàn tất. 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận việc Mỹ rút khỏi TPP đã khiến tiến trình liên kết kinh tế-thương mại châu Ấ-Thái Bình Dương bị chậm lại, và 11 nền kinh tế còn lại cũng không được tiếp cận thị trường Mỹ vốn đem lại nhiều lợi ích.

Mặc dù vậy, chính những “tiêu chuẩn vàng” của thỏa thuận TPP đã đưa 11 nền kinh tế đoàn kết với nhau hơn, đẩy mạnh quyết tâm hiện thực hóa thỏa thuận thương mại đầy hứa hẹn này. Mặc dù sẽ còn nhiều thách thức, song thỏa thuận CPTPP thể hiện nỗ lực của các nước châu Á- Thái Bình Dương trong việc mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Quyết tâm thúc đẩy RCEP

Năm 2017 cũng chứng kiến bước tiến khả quan trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6).

Mặc dù chưa thể hoàn tất đàm phán trong năm 2017, song lãnh đạo 16 nền kinh tế tham gia RCEP đã thể hiện quyết tâm lớn biến những cam kết chính trị thành hành động.

Cam kết của 10 nhà lãnh đạo ASEAN và 6 nước đối tác thương mại tại hội nghị cấp cao RCEP đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Manila (Philippines) vào tháng 11, theo đó thúc đẩy các cuộc thương lượng để kết thúc đàm phán hiệp định này vào năm 2018, cho thấy các nước đều mong muốn tiến đến một thỏa thuận đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích chung.

Nếu thành công, RCEP sẽ là một thành tựu của thương mại thế giới.

Với mục tiêu tạo ra các mối liên kết kinh tế chặt chẽ hơn giữa bốn khu vực địa lý - Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á, cũng như tăng cường các mối quan hệ kinh tế giữa cộng đồng bao gồm 48% dân số thế giới, tạo ra khu vực kinh tế chiếm gần 40% giá trị thương mại toàn cầu, 20% dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và 25% tổng sản phẩm hàng hóa toàn cầu, nếu thành công, RCEP sẽ là một thành tựu của thương mại thế giới.

Là thỏa thuận thương mại do ASEAN thúc đẩy, RCEP được kỳ vọng sẽ thu hút các công ty nước ngoài đến sản xuất tại ASEAN. Bằng cách thu hút Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản vào một khuôn khổ hợp tác, RCEP sẽ giúp đoàn kết và củng cố sức mạnh của ASEAN.

Nói cách khác, RCEP vừa giúp thúc đẩy tăng trưởng, vừa là cơ sở để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định thương mại, mà còn là một thỏa thuận mở ra những tiềm năng mới, các quy tắc mới trong thương mại quốc tế, đồng thời mở ra một tương lai tươi sáng cho hợp tác, hội nhập của khu vực và thực sự hấp dẫn đối với các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ hội lớn cho FTAAP

Những bước tiến của CPTPP và RCEP trong năm 2017, hai thỏa thuận hướng đến một sự hội nhập sâu rộng hơn nữa giữa các nền kinh tế trong khu vực, đều đang tạo nền tảng thuận lợi để hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á–Thái Bình Dương (FTAAP), ý tưởng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004 và được đưa vào bản tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tại Việt Nam.

Tại hội nghị APEC 2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 11 vừa qua, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC một lần nữa khẳng định cần khẩn trưởng thúc đẩy FTAAP.

Các Trưởng đoàn dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng chụp ảnh chung. (Nguồn: TTXVN)

FTAAP là được coi là một lựa chọn chiến lược, là kết quả tất yếu của tiến trình hội nhập kinh tế nhằm đem lại sự thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 40% dân số toàn cầu và 60% thương mại thế giới. Đặc biệt, FTAAP sẽ là khu vực thương mại tự do duy nhất bao gồm cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, trước thực tế ngày càng nhiều hiệp định thương mại được ký kết, tạo ra sự chồng chéo và bất tiện cho quá trình mậu dịch tự do thống nhất, FTAAP, nếu thành hiện thực, có thể giải quyết những vấn đề đó thông qua việc tích hợp hàng loạt hiệp định thương mại tự do được coi là ưu việt khác như CTTPP, RCEP…

FTAAP sẽ là khu vực thương mại tự do duy nhất bao gồm cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

So với các khu vực thương mại tự do khác, FTAAP nhấn mạnh tính bao trùm, tìm kiếm sự hội nhập khu vực lớn hơn và có tiềm năng to lớn cho tăng trưởng kinh tế nhanh, phân phối của cải công bằng hơn. FTAAP hình thành sẽ đảm bảo một sự bình đẳng và đảm bảo rằng không một nền kinh tế nào bị bỏ lại phía sau. Bởi vậy, FTAAP ngày càng được xem là một mô hình lý tưởng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực.

Trong bối cảnh xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa vẫn lan rộng, đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu, nhu cầu về các liên kết thương mại sâu sắc hơn nhằm thúc đẩy thị trường tự do cũng gia tăng. RCEP, CPTPP hay FTAAP đang là những bước đi tích cực của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế theo hướng cân bằng lợi ích của các bên, vì thịnh vượng chung ở khu vực.

Những sáng kiến thương mại tích cực đang được thúc đẩy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với trung tâm là APEC - nơi khởi đầu của hơn một nửa hiệp định thương mại tự do trên thế giới – đã góp phần khẳng định vai trò hàng đầu của khu vực năng động này trong hội nhập và phát triển toàn cầu./.

Nguồn: Vietnam Plus

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: