Điểm tin

CPTPP có thể ký ngay tháng 3/2018, đầu tư, thương mại Việt Nam hưởng lợi gì?

02 tháng 02. 2018

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết trong tháng 3/2018, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường lớn trong khối như Australia, New Zealand, Mexico…

Hiệu ứng tốt từ CPTPP

Thông tin về việc CPTPP sẽ được ký trong tháng 3/2018 đã mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đóng góp trên 30 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của cả nước, các doanh nghiệp dệt may chờ đợi ngày CPTPP được ký kết. Ngay sau phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán các nước tham gia CPTPP, các nước thống nhất sẽ tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Chile.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là quy mô thị trường đã nhỏ hẳn đi khi không có Mỹ tham gia, song CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng để các ngành hàng thúc đẩy xuất khẩu.

“Thử tưởng tượng, TPP với 12 nước thành viên, đóng góp 40% GDP toàn cầu, nhưng khi Mỹ rút, chuyển thành CPTPP thì chỉ chiếm 26% GDP toàn cầu. Quy mô thị trường trong khối đã thu hẹp đáng kể, nhưng rõ ràng, có CPTPP vẫn còn lý tưởng hơn là không có một hiệp định nào thay thế”, ông Trường phân tích.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS nhận định, việc có FTA luôn thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả hơn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam đầu tư nhà máy để tận dụng cơ hội thị trường xuất khẩu do các FTA mang lại.

“Bên cạnh đó, thông tin về kết thúc đàm phán và sớm ký kết CPTPP có thể thu hút thêm dòng vốn đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất ngành”, ông Thuấn nói.

Thông tin về kết thúc đàm phán và sớm ký kết CPTPP có thể thu hút thêm dòng vốn đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất ngành.

Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, dù CPTPP không có Mỹ và các lợi ích không cao như tính toán ban đầu, song thỏa thuận này sẽ có tác động lớn, như mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy cải cách thể chế, tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế.

"Với sự tiến bộ, chắc chắn ảnh hưởng của nó sẽ không dừng lại ở 11 nước, mà trong tương lai, sẽ kéo các quốc gia khác tham gia. Thậm chí, ngay với Mỹ, chúng tôi vẫn tin là có cơ hội kéo nước này quay trở lại", Bộ trưởng Tuấn Anh kỳ vọng.

Kỳ vọng vào thị trường Australia, Mexico, New Zealand…

Các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đều kỳ vọng, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru - những nước chưa ký kết FTA với Việt Nam.

Với dệt may, giày dép, thủy sản, New Zealand và Australia được nhận định là 2 thị trường mới có sức tiêu thụ lớn.

“Thị trường Australia là nơi mà dệt may hy vọng nhiều, bởi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới dừng ở 200 triệu USD/năm. Khi có CPTPP, kim ngạch 1 tỷ USD/năm sẽ không quá xa vời”, ông Trường nhận định.

Ngành thủy sản cũng khả quan hơn khi các nước CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản. Trong đó, Mexico đã trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam từ năm 2017, với kim ngạch đạt gần 15 triệu USD, tăng 66% so với năm 2016.

Nguồn: Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: