Điểm tin

Đông Nam Á - "mảnh đất màu mỡ" của các doanh nghiệp châu Âu

18 tháng 11. 2022

Đông Nam Á là khu vực hấp dẫn để các công ty châu Âu làm ăn kinh doanh, với Singapore tiếp tục là trung tâm trong sự lựa chọn của các công ty này.

Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU)–Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu ở khu vực Đông Nam Á, ông Chris Humphrey đã đưa ra nhận định trên trong bài viết trên báo The Straits Times.

Theo ông Humphrey, Đông Nam Á với lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, tầng lớp trung lưu đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý đã khiến khu vực này trở nên rất hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo một báo cáo gần đây, dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng 42% trong năm 2021 lên 174 tỷ USD. Tỷ trọng của ASEAN trong tiếp nhận dòng vốn FDI toàn cầu đang tăng lên – từ mức trung bình 7% của giai đoạn 2011-2017 lên 11% trong giai đoạn 2018-2019 và tăng lên 12% giai đoạn 2020-2021.

Ông Humphrey nhận xét ASEAN hiện trở nên thậm chí còn hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến đầu tư. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào các khu vực còn lại của thế giới, bạn sẽ thấy những căng thẳng địa chính trị… Tốc độ tăng trưởng của châu Âu đang ở mức gần bằng 0 hoặc âm, Mỹ cũng rất giống như vậy. Châu Phi gần như không phát triển bằng Đông Nam Á. Nam Mỹ thì quá xa”.

Nhà lãnh đạo này cho biết các doanh nghiệp châu Âu đang lấy Singapore làm cơ sở để mở rộng ra khu vực. Theo Cơ quan phát triển kinh tế Singapore, 46% trụ sở khu vực châu Á của các công ty được đặt tại Singapore, hoạt động trong một loạt ngành nghề, trong đó có các công ty như công ty tư vấn kinh doanh Capgemini (Pháp), công ty giao hàng thực phẩm và tạp hóa Foodpanda (Đức), công ty tiếp thị và lọc dầu Neste (Phần Lan)...

Theo ông Jakob Sebastian Angele, Giám đốc điều hành Foodpanda châu Á, ASEAN là một thị trường đa dạng và mỗi quốc gia đang trong giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những nền kinh tế phát triển cao như Singapore và Malaysia và những nền kinh tế kém phát triển hơn như Lào, Myanmar và Campuchia. Ông Angele cho rằng sự đa dạng hóa này đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ để duy trì tính cạnh tranh.

Đồng quan điểm này, Giám đốc điều hành Humphrey bổ sung rằng sự đa dạng của ASEAN đem lại nhiều cơ hội vì các công ty có thể lựa chọn sản xuất các loại sản phẩm khác nhau ở các nước khác nhau, tùy thuộc vào việc quốc gia nào có nhân tài và kỹ năng phù hợp. Điều này cho phép các công ty sản xuất các sản phẩm giá trị thấp hơn ở nơi rẻ hơn và sản phẩm giá trị cao hơn ở nơi phát triển hơn, nơi mà người dân có những kỹ năng phù hợp. Ông Humphrey lưu ý rằng sự hội nhập kinh tế khu vực đầy đủ trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đồng nghĩa với việc hàng hóa và dịch vụ có thể di chuyển tự do trên khắp khu vực. Điều đó cũng cho phép đạt được hiệu quả kinh tế tốt hơn trong khu vực.

Nguồn: Tạp chí Hải quan Online

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: