Điểm tin

Bắt tay xây dựng liên kết chuỗi dệt may trong khối ASEAN

16 tháng 12. 2022

Tại Phiên họp Hội đồng lần thứ 48 của Liên đoàn Dệt may các nước ASEAN (AFTEX) và Phiên họp toàn thể lần thứ 46 diễn ra ngày 15/12 tại TPHCM, các thành viên AFTEX đều đồng tình rằng rằng cần xây dựng chương trình liên kết chuỗi trong nội khối AFTEX về sợi, dệt, nhuộm, may nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển và ứng phó với những rủi ro của thị trường thế giới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện đang đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Cùng với đó là tình trạng đồng tiền mất giá ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn.

Tuy vậy, kim ngạh xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2022 vẫn ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Dệt may Việt Nam đang xuất khẩu vào khoảng 66 vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực.

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mục tiêu của dệt may Việt Nam dự kiến đạt 47-48 tỷ USD. Việt Nam hiện đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 15 Hiệp định đã có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành Dệt may Việt Nam.

Trong khi đó, bà Maritess Jocson-Agoncillo, Giám đốc điều hành Liên đoàn may mặc xuất khẩu Phillipines (CONWEP) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Philippines vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nguồn cung vải và dệt may đa phần là từ các nhà máy được chỉ định, chủ yếu là từ Trung Quốc. Chính vì lý do này ngành dệt may Philippines khó có thể phát triển theo chiều dọc do nguyên liệu chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Còn theo ông Kaing Monika, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may, da giày và đồ dùng du lịch Campuchia (TAFTAC), ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng du lịch là xương sống của nền kinh tế Campuchia trong hơn hai thập kỷ qua. Ngành này, sử dụng hơn 800.000 công nhân chiếm 10% tổng số lao động có việc làm chính thức và không chính thức của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay cơ cấu của ngành này vẫn chủ yếu là các đơn hàng gia công, hầu hết đều sử dụng các nguyên liệu thô nhập khẩu. Các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức với yêu cầu thời gian giao hàng ngắn và các đơn đặt hàng nhỏ cho loại hàng thời trang nhanh.

Hiệp hội May mặc Lào cũng nêu lên rằng ngành may mặc Lào đang đối diện với nhiều thách thức như thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu địa phương và ngành công nghiệp hỗ trợ, gây tác động đến thời gian sản xuất; thiếu đầu tư cho ngành dệt may.

Còn tại Malaysia, tình trạng thiếu công nhân là vấn đề lớn, gây trở ngại cho công tác mở rộng ngành dệt may nước này. Lực lượng lao động của ngành may mặc Malaysia phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Từ những cơ hội và thách thức đan xen trên toàn cầu cũng như của ngành dệt may các nước trong khối AFTEX, ông Vũ Đức Giang đề nghị cộng đồng các doanh nghiệp trong khối AFTEX xây dựng kênh thông tin kết nối chặt chẽ hơn, qua đó giới thiệu về thế mạnh của các nước, những giải pháp cần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, ông Giang cho rằng cần xây dựng chương trình liên kết chuỗi trong nội khối AFTEX về sợi, dệt, nhuộm, may; thúc đẩy thị trường nội khối AFTEX về sản phẩm dệt may và thúc đẩy cộng đồng các doanh nghiệp thực hiện chương trình phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, sử dụng năng lượng mặt trời, giảm khí thải nhà kính, thực hiện chương trình xanh hóa ngành dệt may khối AFTEX.

Đề xuất của ông Vũ Đức Giang đã nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp trong khối AFTEX. Trong đó, đại diện đến từ Malaysia cho rằng các thành viên AFTA cần cùng nhau chia sẻ và chuyển giao kiến thức, công nghệ; hợp tác trong Chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) ASEAN; xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ASEAN...

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng mong muốn có chương trình hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong nội khối. Đồng thời hợp tác minh bạch truy xuất nguồn gốc, ứng phó với những rủi ro như xung đột thương mại Mỹ - Trung, Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức tại Tân Cương của Mỹ…

Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch luân phiên AFTEX từ ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho ông Tan Kim Teck Albert, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - da giày - đồ dùng du lịch Campuchia (TAFTAC). Theo đó, ông Tan Kim Teck Albert sẽ là Chủ tịch AFTEX trong nhiệm kỳ 2023-2024.

Nguồn: Tạp chí Hải quan Online

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: