Điểm tin

Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Thái Lan

05 tháng 01. 2023

Nhờ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, hàng Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Thái Lan.

Kết quả ban đầu

139 baht tương đương 96.000 đồng/kg là giá của nhãn Việt Nam được bày bán trên quầy hàng Việt Nam tại siêu thị thực phẩm thuộc trung tâm thương mại CentralWorld (Bangkok) hôm 17/11/2022. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam - cho biết, khoảng 1 tuần nay (tuần giữa tháng 11/2022), 29 siêu thị Top Mart tại Thái lan đã nhận được trái nhãn của Cần Thơ, và Đồng Tháp để tiêu thụ. Tại các địa phương này trái nhãn có quanh năm, đây là một lợi thế vì sự ổn định về sản lượng.

Cùng với trái nhãn, một số loại trái cây của Việt Nam như: Thanh long, khoai lang… và các thương hiệu thực phẩm đóng gói của Việt Nam như: Mr.Viet (cà phê), Bibica, Vifon, Trung Nguyên, Vinamit, Hải Bình (hạt điều), ChinsuFoods, hồ tiêu Việt... có mặt tại siêu thị này.

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương và Central Retail Việt Nam phối hợp tổ chức. Kể từ Tuần hàng đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống của Central Retail đã tăng từ 46 triệu USD năm 2016 lên 205 triệu USD vào năm 2019.

Ông Paul Le đánh giá, sau 5 năm triển khai chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, với sự làm việc tập trung, chuyên nghiệp của Bộ Công Thương và Central Retail, đã có khoảng 500 sản phẩm được mang sang quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng Thái Lan và kết nối vào kênh phân phối hiện đại tại thị trường này. Cùng với sản phẩm trái cây, còn có các sản phẩm chế biến, trong đó có các sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam với giá cạnh tranh hơn so với Thái Lan.

Dù mới khởi nghiệp được 3 năm, Công ty Real Bean Coffee đã tận dụng Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan để ký hợp đồng và đưa sản phẩm lên kệ hàng Thái. Cũng nhờ đó, sản phẩm của doanh nghiệp này đã đạt giải cao tại nhiều cuộc thi khu vực và thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh số tăng đều đặn ít nhất 20% mỗi năm.

Theo ông Paul Le, 5 năm qua, các nhà cung cấp Việt Nam đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Nếu như trước đó, họ phải học hỏi rất nhiều về vấn đề bao bì thì nay, họ rất hiểu và dành về vấn đề này. Họ tự hào về bao bì, sản phẩm của mình cũng như các câu chuyện về sản phẩm để kể với người tiêu dùng thế giới.

Hợp tác chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu

Các chuyên gia cho rằng, đã có những triển vọng mới mở ra khi xu hướng tiêu dùng của người Thái thay đổi và mức độ chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt cải thiện qua từng năm. Theo ông Paul Le, cơ hội của Việt Nam là người Thái ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. “Năm ngoái, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch cao kỷ lục 19 tỷ USD, tăng 18% so với 2020. Mười tháng đầu năm, kim ngạch thương mại đạt 17,8 tỷ USD, tăng 16,9%. Tuy nhiên, kim ngạch hàng Việt xuất qua Thái Lan mới chiếm khoảng một phần ba con số này” - ông Paul Le phân tích.

Ngày 16/11/2022, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhân chuyến thăm nước này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cũng đã cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, ngày 17/11/2022 trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 giữa Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường trong nước và Tập đoàn Central Retail Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hệ thống phân phối nước ngoài và nâng cao năng lực trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam, đồng thời xây dựng hệ thống các nhà cung cấp bền vững cho Central Retail.

Chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu là mục tiêu đặt ra trong lần ký kết thỏa thuận hợp tác này. Ông Lê Văn Duy - Giám đốc Delta D’Asia - đánh giá, đây là cầu nối giao thương để các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường, và người dân Thái Lan và khách hàng thế giới có thể sử dụng sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe từ đó cải thiện, nâng tầm sản phẩm phù hợp với thị trường các nước mà mình đưa hàng tới.

Cơ hội đang đến, thách thức cũng dần có hướng tháo gỡ, theo ông Paul Le điều các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý lúc này, đó là nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm chế biến hơn, và cả vấn đề bao bì hay xây dựng thương hiệu. “Chúng ta không chỉ bán sản phẩm thô và bán ra thị trường thế giới bắt buộc phải có bao bì, thương hiệu để người tiêu dùng các nước trên thế giới có thể đọc được. Về phía chúng tôi, sẽ hỗ trợ các công ty Việt Nam vào siêu thị một cách tốt nhất”-ông Paul Le chia sẻ.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: