Điểm tin

Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến ASEAN thiệt hại 17 tỷ USD mỗi năm

17 tháng 02. 2023

Gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như căng thẳng địa chính trị toàn cầu đã khiến lĩnh vực bán lẻ, bán buôn ở các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo phân tích của công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX Global, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra trong khu vực ASEAN, do nhiều yếu tố gây ra bao gồm chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang khiến khu vực này phải trả một khoản tiền đáng kinh ngạc, 17,01 tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ với tạp chí The Asian Business Review, Giám đốc điều hành TMX Global Asia, ông Dean Jones nhấn mạnh, những gián đoạn này đang tác động trung bình đến 0,47% doanh thu kinh doanh trên toàn thế giới.

Nghiên cứu từ TMX Golobal, cho thấy Singapore, Malaysia và Thái Lan bị ảnh hưởng bất lợi bởi cú sốc cung - cầu tiêu cực so với các nền kinh tế nhỏ hơn như Brunei và Myanmar.

Mặc dù vậy, tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN được dự báo sẽ tăng hơn bốn lần trong hai thập kỷ tới, lên mức 13,3 nghìn tỷ USD vào năm 2040 do cả xuất khẩu và nhu cầu trong nước.

Theo ông Jones, việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào tháng 12 đã mang lại sự cứu trợ đáng kể cho các thương hiệu toàn cầu vẫn đang sản xuất bên ngoài châu Á. Nó được coi là một dấu hiệu tích cực của việc nới lỏng hơn nữa khỏi áp lực to lớn mà chuỗi cung ứng toàn cầu phải đối mặt.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là vào năm 2022, đã dẫn đến việc cân nhắc nhiều hơn về vai trò của ASEAN trong việc dự đoán những biến động trong tương lai trước những rủi ro của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp đang ngày càng áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1” bằng cách đa dạng hóa hoạt động của họ, chẳng hạn như hình thành các trung tâm sản xuất và kho hàng bên ngoài Trung Quốc.

Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam hiện là những lựa chọn hàng đầu để các doanh nghiệp thiết lập hoạt động khi họ chứng kiến ​​cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và vận chuyển toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Jones cảnh báo: “Mặc dù điều đó sẽ mang lại lợi thế cho khu vực, song nó cũng có nghĩa là các doanh nghiệp trong khu vực càng không nên mất cảnh giác trước khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng”.

ASEAN không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế, nếu muốn tiếp tục con đường nhanh chóng để dẫn đầu thương mại toàn cầu, khu vực này cần nắm bắt tốt cơ hội từ những lợi thế về địa lý, quy định, kinh tế và nhân khẩu học…

“Các chuỗi cung ứng phát triển mạnh dựa trên khả năng dự đoán, và vì vậy khả năng loại bỏ càng nhiều sự không chắc chắn càng tốt thông qua một chuỗi cung ứng linh hoạt là rất quan trọng”, ông Jones nhấn mạnh.

Nguồn: Tạp chí Thương Trường

 

 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: