Điểm tin

Mỹ và EU vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN

04 tháng 03. 2023

Với thực tế một phần đáng kể lượng hàng xuất khẩu từ ASEAN sang Trung Quốc được tái xuất sang Mỹ và châu Âu để tiêu thụ cuối cùng, các nhà kinh tế cho rằng điều này chứng tỏ các nền kinh tế phương Tây tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Theo các nhà kinh tế, Trung Quốc đóng vai trò là mắt xích cuối cùng của chuỗi cung ứng toàn cầu, là nơi lắp ráp và tái xuất khẩu một phần đáng kể hàng nhập khẩu của nước này sang các nơi khác trên thế giới. Nhưng nhu cầu cuối cùng vẫn nằm ở các nền kinh tế phương Tây.

Trong báo cáo “Quan điểm đầu tư toàn cầu” mới nhất tháng 3/2023, Amundi Asset Management cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại là điểm tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng sự kiện này sẽ chủ yếu hỗ trợ hoạt động kinh doanh nội địa của nước này.

Ông Vincent Mortier - Giám đốc đầu tư của tập đoàn Amundi, cho biết: “Chúng tôi không chắc liệu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có đủ để bù đắp xung lực tiêu cực từ việc tăng trưởng chậm lại của Mỹ hay không”. Trong khi đó, nhà kinh tế học Vishrut Rana của S&P Global Ratings khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng sự phục hồi của Trung Quốc không thể bù đắp cho sự suy giảm của các nền kinh tế phương Tây.

“Mặc dù sự phục hồi của Trung Quốc sẽ làm giảm tác động của suy thoái ở phương Tây, nhưng tác động ròng đối với nhu cầu xuất khẩu trong năm nay nhìn chung sẽ vẫn ở mức tiêu cực”, ông Rana nói, với ước tính sự giảm tốc ở Mỹ và châu Âu sẽ vượt quá đà tăng tốc ở Trung Quốc.

Cũng theo nhà kinh tế học của S&P Global Ratings, dù mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với khu vực ASEAN ngày càng gia tăng, các nước phương Tây vẫn giữ vị trí quan trọng hơn với tư cách là nguồn cung cấp nhu cầu cho hầu hết các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này cũng có mối quan hệ mật thiết với Mỹ và châu Âu với các mối liên kết mạnh mẽ về thương mại, tài chính và kinh doanh.

Xét về yếu tố điểm đến có nhu cầu cuối cùng và quá trình làm gia tăng giá trị của hàng hoá, ông Rana cho biết tầm quan trọng của Mỹ và khu vực đồng euro cộng lại lớn hơn so với Trung Quốc đối với hầu hết các nước ASEAN, bao gồm Singapore, Việt Nam, Philippines và Thái Lan.

Theo phân tích, tăng trưởng về thị trường xuất khẩu sụt giảm sẽ đè nặng lên các nền kinh tế này. Ngược lại, các nền kinh tế định hướng nội địa hơn sẽ đối mặt với ít tác động kinh tế hơn từ sự biến động của thị trường xuất khẩu.

Singapore, Việt Nam và Thái Lan có mức độ tiếp xúc toàn cầu cao nhất, với nhu cầu bên ngoài chiếm hơn 40% nền kinh tế của mỗi quốc gia này. Theo sát sau đó là Đài Loan, Malaysia và HongKong (Trung Quốc), nơi giá trị gia tăng dành cho các điểm đến bên ngoài chỉ chiếm chưa tới 40% so với nền kinh tế tương ứng của mình.

Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản là những nền kinh tế định hướng nội địa hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỗi nền kinh tế này có chưa tới 8% giá trị gia tăng giao dịch với Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc cộng lại. Hơn 80% tổng giá trị gia tăng của các nền kinh tế này bắt nguồn từ nhu cầu trong nước.

Trung Quốc cũng nằm trong số các nền kinh tế định hướng nội địa, với khoảng 86% giá trị gia tăng phụ thuộc vào nhu cầu trong nước.

Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng năm nay sẽ chậm lại ở Mỹ và châu Âu, hai khu vực chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu tính theo đồng USD danh nghĩa.

Ở châu Âu, tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại và lãi suất tăng cao hơn, tuyển dụng việc làm giảm và thị trường nhà ở suy yếu.

Tại Mỹ, lãi suất cao hơn cũng dẫn đến hoạt động chậm hơn và các khoản tiết kiệm hộ gia đình đang giảm dần. Ngược lại, Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 5% một chút trong năm 2023 khi nước này chấm dứt chính sách “zero-Covid”.

Nguồn: Báo điện tử Thừa Thiên Huế

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: