Điểm tin

Tiềm năng sản xuất chất bán dẫn tại Đông Nam Á

16 tháng 03. 2023

Với bước chuyển lớn về chuỗi sản xuất, thị trường chip và vật liệu bán dẫn toàn cầu tạo ra không ít cơ hội cho các nước Đông Nam Á - ASEAN.

Ngành công nghiệp chip được nhận định đang trong một cuộc cách mạng mới, bùng nổ nhu cầu từ sự xuất hiện và phát triển của ChatGPT cùng các công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trong các báo cáo gần đây đánh giá về năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn, các quốc gia Đông Nam Á được xếp ở vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip thế giới, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu. Ước tính, quy mô thị trường chip của các nước Đông Nam Á có thể đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2028.

Báo cáo Nghiên cứu về Công nghiệp Sản xuất Chip bán dẫn Đông Nam Á 2023 - 2032 công bố hồi đầu năm nay đánh giá, Singapore là cơ sở sản xuất chip bán dẫn quan trọng.

Các nước Đông Nam Á còn lại gồm Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia có nền tảng nhất định, với nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, đang trở thành điểm nóng của các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư xây dựng nhà máy.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, nhu cầu về chuỗi cung ứng đa dạng và tăng cường tính linh hoạt có thể mang lại lợi ích cho Đông Nam Á. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ đã tạo ra một làn sóng cạnh tranh trong việc phát triển ngành công nghiệp chip toàn cầu.

"Liên quan đến công đoạn thử nghiệm và đóng gói chip, Trung Quốc đang chiếm 40% mảng này, 20% ở Đài Loan, Trung Quốc, một phần còn lại ở Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, Chính phủ các nước trên thế giới đang tìm cách để cân bằng lại chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, tránh để tập trung quá nhiều vào một nơi, đó là lý do vì sao tôi nghĩ các nước tại Đông Nam Á đều có cơ hội rất lớn trong mảng này", ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), cho biết.

Thu hút FDI liên quan đến các công đoạn sản xuất bán dẫn đang là một trong những trọng tâm được chính phủ các nước ASEAN đưa ra thời gian qua.

Dẫn đầu đang là Singapore, với những dự án mới nhất mở rộng công suất sản xuất tấm wafer đến từ các tập đoàn từ Pháp và Mỹ trị giá từ 430 - 450 triệu USD. Trước đó, nhà sản xuất bán dẫn lớn thứ 4 thế giới là Global Foundries đã xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn trị giá 5,4 tỷ USD, tạo ra 100.000 công việc chất lượng cao.

Malaysia cũng đang tăng tốc trên cuộc đua thu hút FDI khi 6/12 tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới đều có nhà máy tại quốc gia này.

Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các nước được đánh giá là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch.

"Nhìn vào tương lai của công nghiệp bán dẫn, tiềm năng rất lớn, rất nhiều ngành càng ngày càng phụ thuộc vào chip, miếng bánh trở nên to hơn nên mỗi phần của chiếc bánh cũng trở nên lớn hơn", ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhận định.

Tuy nhiên, ngành sản xuất chip của Đông Nam Á đang chịu cạnh tranh lớn từ các khu vực khác như Ấn Độ, Đông Âu và khu vực Nam Mỹ. Một chính sách nhất quán, có tính liên kết cao trong khu vực ASEAN, sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng chip và phát huy tối đa lợi thế của khu vực.

Các nhà sản xuất chip của Mỹ đã để mắt đến Đông Nam Á khi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc bị thu hẹp. Applied Materials, Lam Research và KLA cùng nhau kiểm soát khoảng 35% thị trường toàn cầu về sản xuất chip. Kể từ tháng 10/2022, cả 3 công ty này đã chuyển nhân viên nước ngoài từ Trung Quốc sang Singapore, Malaysia và tăng năng lực sản xuất ở Đông Nam Á.

Điều đó cho thấy cơ hội hưởng lợi lớn cho các quốc gia tại ASEAN sẽ là rất lớn và đồng đều, nếu chúng ta có đủ năng lực cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt này.

Nguồn: Báo điện tử VTV

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: