Điểm tin

ASEAN trỗi dậy như “T-I-G-E-R”

20 tháng 03. 2023

Khi thế giới chuẩn bị đối mặt với sự suy giảm kinh tế trong năm 2023, ASEAN sẽ vẫn giữ vững vị trí và đang phát triển thành một “nhà máy” kinh tế, được “tiếp nhiên liệu” bởi những yếu tố phát triển trên khắp không gian kinh tế và đầu tư.

ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với GDP đạt 3.100 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt Đức vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2030 với GDP tăng hơn gấp đôi, lên 6.600 tỷ USD.

Báo cáo mới nhất của UNCTAD về đầu tư của ASEAN cho thấy, các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực đã tăng 42% lên 174 tỷ USD - chỉ đứng sau Trung Quốc. Sự phục hồi của vốn FDI củng cố niềm tin vào một khu vực đang trỗi dậy kiên cường sau đại dịch.

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới, vì một số nhân tố có thể viết tắt là “TIGER”. T (Technology) – công nghệ hay nền kinh tế số; I (Income) - thu nhập của tầng lớp trung lưu; G (Green) - chuyển đổi xanh; E (Energy) - hạ tầng năng lượng và R (RCEP) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Nền kinh tế số của khu vực dự kiến sẽ tăng tốc, đạt 330 tỷ USD vào năm 2025.

Với 680 triệu dân, ASEAN là thị trường lớn thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm gần 9% dân số thế giới. ASEAN có nhân khẩu học thuận lợi với gần một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30. Lực lượng lao động được ước tính chỉ đạt đỉnh vào năm 2045, sau Trung Quốc khoảng ba thập kỷ. Lớp lao động trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số, năng suất và đang phát triển này cung cấp một lộ trình dài cho sự phát triển của khu vực.

Sự gia tăng tầng lớp trung lưu của ASEAN là một trong những động lực kinh tế lớn nhất thế giới, với chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Chuyển đổi xanh của ASEAN có thể mang đến hơn 1.000 tỷ USD trong các cơ hội kinh tế hàng năm. ASEAN hiện đặt mục tiêu đạt 23% năng lượng tái tạo trong nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp vào năm 2025.

Việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP sẽ hội nhập hơn nữa thương mại và thúc đẩy đầu tư cho khu vực. RCEP cũng sẽ cho phép tiêu chuẩn hóa các quy định xuyên biên giới, từ đó đẩy mạnh hiệu quả kinh tế.

Sự cải thiện đáng kể về mức độ thuận lợi trong kinh doanh và hồ sơ nhân khẩu học thuận lợi đặc biệt có ý nghĩa khi các công ty toàn cầu tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Trong khi là một khu vực có các thế mạnh bổ sung cho nhau, ASEAN có vị thế tốt để đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong một thế giới ngày càng đa cực, nơi sản xuất bị phân mảnh hơn.

Nguồn: Báo Thế Giới Và Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: