Điểm tin

Thủ tướng Hun Sen: Campuchia áp dụng mô hình kinh tế cạnh tranh thị trường đôi bên cùng có lợi

24 tháng 03. 2023

Theo tờ Khmer Times, ngày 22-3 Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đã phát triển mô hình kinh tế của riêng mình với chủ trương cạnh tranh thị trường trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi khi mà những biến động ở các nền kinh tế khác, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên khác của Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) cũng có thể tác động đến nền kinh tế Campuchia.

Phát biểu trên được ông đưa ra tại lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên Học viện Kế toán Vanda tại Phnom Penh, Campuchia. Thủ tướng Hun Sen nói, Hoa Kỳ với tư cách là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nếu nền kinh tế này bị suy yếu thì sẽ kéo kinh tế toàn cầu suy yếu theo. Chắc hẳn không ai quên sự kiện khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra từ sự sụp đổ của các ngân hàng ở Hoa Kỳ và sau đó đã lan sang EU. Tuy nhiên, châu Á vẫn có thể trụ vững nhờ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ kết hợp với sự ổn định của nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đã giúp ngăn chặn phần nào cuộc khủng hoảng lan rộng hơn sang châu Á.

“Dĩ nhiên cuộc khủng hoảng này cũng ảnh hưởng đến chúng tôi khi nhiều nhà máy phải đóng cửa… Do thu nhập của người dân ở Hoa Kỳ và EU giảm, khiến các đơn đặt hàng, mua hàng bị giảm”, Thủ tướng Hun Sen cho biết và khẳng định Hoa Kỳ và EU là thị trường chính đối với gạo hữu cơ của Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định thế giới, bao gồm cả Campuchia, sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác. “Đừng cạnh tranh để triệt hạ nhau, mà hãy cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng cho tất cả chúng ta”, ông kêu gọi.

“Nền kinh tế thị trường cạnh tranh không có nghĩa là cạnh tranh để hạ gục đối thủ. Ví dụ, trước đó một số ngân hàng đã cố gắng đánh bại các ngân hàng đối thủ khác… Đây được gọi là cạnh tranh nhằm “knock out” đối thủ để giành chiến thắng. Nhưng ở thời đại này không phải như vậy, bởi họ luôn được giám sát chặt chẽ, nó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, cùng thúc đẩy nhau phát triển”, Thủ tướng Campuchia nêu quan điểm.

Đề cập đến Trung Quốc, Thủ tướng Hun Sen cho rằng, việc cố gắng ngăn cản Trung Quốc phát triển là điều bất khả thi, bởi đây là quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Đó là thị trường tiềm năng cho Campuchia và các quốc gia thành viên ASEAN khác. Thủ tướng cũng cho biết, Campuchia và ASEAN nói chung xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc hơn là nhập khẩu từ đó. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn nhất cho các nước sản xuất, trong đó có Campuchia-quốc gia nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu vải từ Trung Quốc cho ngành may mặc của mình.

Campuchia cũng đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch Covid-19. Ông Hun Sen cho biết, Trung Quốc sớm có kế hoạch khởi động lại 300 chuyến bay quốc tế mỗi tuần để khách Trung Quốc có thể đi du lịch vòng quanh thế giới và sẽ thật tuyệt nếu Campuchia đón khoảng 5 triệu khách du lịch từ Trung Quốc. Thái Lan có kế hoạch thu hút khoảng 10 triệu du khách Trung Quốc và Singapore cũng đã đề ra các chiến lược để thu hút du khách Trung Quốc.

Campuchia không cản trở sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Sẽ là một chính sách kinh tế hết sức sai lầm nếu muốn phát triển Campuchia bằng cách mong cho nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan suy yếu. Ông Hun Sen lập luận, nếu nền kinh tế Việt Nam suy yếu, lạm phát sẽ ảnh hưởng đến Campuchia vì đây là một trong những thị trường chính tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 5 tỷ USD sang Việt Nam-quốc gia có dân số đã tăng lên gần 100 triệu người trong năm nay và nhập khẩu một phần sản lượng điện vào. Như vậy, nếu nền kinh tế Việt Nam suy yếu, khả năng phục hồi của Campuchia sẽ bị ảnh hưởng do Việt Nam sẽ giảm lượng điện cho xuất khẩu. Campuchia nhập khẩu điện từ Việt Nam và Lào, nhưng đồng thời cũng có kế hoạch xuất khẩu điện sang Singapore thông qua hệ thống cáp dưới biển theo thỏa thuận giữa các công ty tư nhân của hai nước.

Thủ tướng nói, nếu nền kinh tế Việt Nam suy yếu, Campuchia sẽ mất 5 tỷ USD xuất khẩu, trong đó có khoảng 1 triệu tấn hạt điều khi mà Campuchia không có đủ năng lực chế biến. Ông nói thêm, nếu Việt Nam và Thái Lan bị lạm phát 20-30%, thì tỷ lệ này cũng sẽ tăng ở Campuchia.

“Vì vậy, đây được gọi là cạnh tranh cùng thắng chứ không phải cạnh tranh cùng thua. Chúng tôi sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch nào để triệt hạ quốc gia nào đó… Thế giới đầy cạnh tranh, nhưng sự cạnh tranh phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cùng tăng trưởng, đó mới là một thế giới đang phát triển”, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Đừng mong muốn bất kỳ quốc gia nào rơi vào tình trạng nền kinh tế sụp đổ, vì hệ quả của nó rất nghiêm trọng. “Nếu muốn doanh nghiệp của mình phát triển, thay vì chúng ta nghĩ cách triệt hạ doanh nghiệp của người khác, thì chúng ta hãy nghĩ cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn và giá cả cạnh tranh”, ông nói.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: