Điểm tin

Singapore thống trị thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á

05 tháng 07. 2023

Là đất nước có ngành công nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) thống trị Đông Nam Á, với việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động, khả năng kết nối băng thông rộng, có vẻ như nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân Singapore ngày càng tăng…

Theo Tech Wire Asia, mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, mỗi hình thức đều mang lại lợi ích riêng. Điều này chứng minh rằng bán lẻ dường như không còn chia thành các lĩnh vực online và offline riêng biệt, thay vào đó, là một ngành công nghiệp đang số hóa.

Theo báo cáo “Xu hướng bán lẻ Singapore” do Amazon giới thiệu, trung bình người tiêu dùng Singapore tìm hiểu hơn 5,4 nhà bán lẻ trực tuyến trước khi quyết định mua hàng. Và thật thú vị khi hơn 2/3 (tương đương 68,3%) người mua ở Singapore sử dụng cả phương thức trực tuyến và truyền thống để tìm kiếm các giao dịch có giá trị tốt nhất.

Báo cáo do công ty phân tích dữ liệu GlobalData soạn thảo đã nhấn mạnh ranh giới ngày càng lu mờ giữa bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử ở Singapore. Hiện tượng này được gọi là “bán lẻ đa kênh”, chiếm hơn một nửa (57,6%) doanh thu bán lẻ năm 2022 và dự kiến sẽ tăng 21,2% trong 4 năm tới.

MUA SẮM TRỰC TUYẾN VÀ MUA SẮM TRỰC TIẾP

Mặc dù có nhiều cửa hàng thực gần đó, người tiêu dùng Singapore vẫn ưu tiên các nền tảng trực tuyến để tìm hiểu thông tin sản phẩm và kiểm tra đánh giá chi tiết. Đây được xem là một hoạt động thú vị, ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng.

Theo khảo sát của Amazon, khoảng 2% người mua sắm trực tuyến ở Singapore cho rằng thói quen mua sắm của họ là so sánh, kiểm tra giá, và tiếp cận các kênh mua sắm đa dạng. Hơn một nửa số người tham gia (57,3%) nhất định phải dựa vào các đánh giá và so sánh trực tuyến trước khi hoàn tất giao dịch mua. Điều này khẳng định sự cần thiết của các doanh nghiệp trong việc cung cấp trải nghiệm mua sắm đa dạng đi kèm với chất lượng sản phẩm nếu muốn giành được lòng tin người tiêu dùng. Khoảng 29,3% người mua sắm trực tuyến đề cập đến việc truy cập trang web để giải trí và sau đó mua hàng, đây là một xu hướng phổ biến ở Singapore, cho thấy tiềm năng mua sắm tự phát. Mặt khác, gần một nửa (48,2%) người tiêu dùng đã ghé thăm các cửa hàng để lấy cảm hứng trước khi mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, một nửa còn lại (48,8%) sẽ tham khảo trực tuyến trước khi đến cửa hàng thực và mua sắm tại chỗ.

Như vậy, sự kết hợp giữa lướt web trực tuyến và tìm kiếm lời khuyên từ các cửa hàng trực tiếp góp phần đáng kể vào chi tiêu đa kênh.

Ông Leo Laforgia, Giám đốc Amazon Singapore, tin rằng những phát hiện này phản ánh xu hướng sở thích của người tiêu dùng và cung cấp cho họ nhiều lựa chọn mua sắm hơn. Những thay đổi như vậy trong mô hình mua sắm mở ra con đường mới cho các doanh nghiệp thu hút và kết nối khách hàng, nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử địa phương trong chiến lược đa kênh.

"Đặc biệt trong năm nay, lạm phát là mối quan tâm chính đối với nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng, vì vậy giá cả và sự tiện lợi vẫn được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Bằng cách chú trọng vào chiến lược đa kênh bền vững, ưu tiên sở thích khách hàng, bảo vệ thương hiệu cũng như hướng đến phát triển đa quốc gia, các doanh nghiệp có thể cung cấp giá trị độc đáo và toàn diện cho khách hàng cũng như hướng đến thành công", ông Laforgia nói thêm.

SINGAPORE TẬN DỤNG NGÀNH BÁN LẺ ĐỂ THU HÚT KHÁCH HÀNG NHƯ THẾ NÀO?

Một ví dụ điển hình là ION Orchard, trung tâm mua sắm thường xuyên tổ chức các sự kiện và triển lãm nghệ thuật. Trong khi đó, trung tâm mua sắm VicoCity tự hào khi có cả nhà hát và Trung tâm mua sắm Paragon thường xuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc trực tiếp để thu hút du khách.

Trong lĩnh vực trực tuyến, Watsons đã xây dựng eStores để tăng khả năng tiếp cận sản phẩm. Tính năng trong ứng dụng mang tên 'ColourMe' cho phép người mua trực tuyến thử trang điểm thông qua giao diện ảo trước khi quyết định “chốt đơn”. Tương tự, "Virtual Artist" của Sephora cũng cung cấp tính năng tương tự.

Lĩnh vực bán lẻ ở Singapore đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng đến năm 2026. Các sự kiện quốc tế lớn như F1 Grand Prix và những cải tiến về du lịch, hàng không sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng là một mối quan tâm đáng kể đối với người tiêu dùng Singapore, với 93% đã bày tỏ lo ngại hoặc lo ngại nghiêm trọng về chi phí sinh hoạt leo thang.

"Người tiêu dùng ở Singapore lo ngại nhất về lạm phát so với các khu vực khác ở Đông Nam Á. Phần lớn người dân Singapore tìm kiếm nhiều nhà bán lẻ trực tuyến và tại cửa hàng để tìm được sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng", ông Neil Saunders, Giám đốc Điều hành bộ phận bán lẻ của GlobalData, lưu ý.

Vị giám đốc nói thêm: "Ranh giới giữa trực tuyến và trực tiếp ngày càng trở nên mờ nhạt, điều này đang thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng đối với trải nghiệm đa kênh, cho dù đó là nghiên cứu trực tuyến trước khi mua tại cửa hàng hay trả lại hàng trực tuyến cho các cửa hàng thực".

Ông Saunders dự đoán rằng xu hướng hành vi này có thể sẽ tăng trưởng nhanh chóng khi người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn với chi tiêu trong nền kinh tế gặp nhiều biến động.

THƯƠNG MẠI XUYÊN BIÊN GIỚI CŨNG LÀ MỘT XU HƯỚNG

Thói quen mua sắm trực tuyến mở rộng, thương mại xuyên biên giới cũng vậy. Người tiêu dùng Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore thường mua hàng từ các nước láng giềng và thậm chí xa hơn. Về mặt địa lý, Singapore có vị trí kết nối lý tưởng với Malaysia thông qua hai cửa khẩu đường bộ là Johor-Singapore Causeway và Malaysia-Singapore Second Link.

Thương mại xuyên biên giới giúp cho người tiêu dùng Singapore tiếp cận nhiều loại sản phẩm, thường với giá thấp hơn do tỷ giá hối đoái. Trong khi người Singapore đi du lịch đến các nước láng giềng để mua sắm xuyên biên giới tại cửa hàng thì ngành thương mại xuyên biên giới trực tuyến cũng đã phát triển đáng kể trong vài năm gần đây.

Nguồn: VN Economy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: