Điểm tin

Khu vực sản xuất của ASEAN chậm lại, niềm tin kinh doanh ở mức thấp

11 tháng 08. 2023

Niềm tin kinh doanh giữa các nhà sản xuất hiện đang nằm ở mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang chậm lại do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vẫn yếu.

Dữ liệu mới nhất từ ​​S&P Global, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á bắt đầu cho giai đoạn nửa cuối năm đã chậm lại. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của ASEAN giảm xuống còn 50,8 trong tháng 7, từ mức 51 hồi tháng 6/2023, báo hiệu tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng chậm lại và mức cải thiện yếu nhất kể từ tháng 12.

Chỉ có bốn trong số bảy nền kinh tế được nghiên cứu báo cáo điều kiện hoạt động tốt hơn vào tháng trước với chỉ số PMI trên mốc trung bình là 50 điểm. Trong đó, Indonesia chiếm vị trí đầu bảng với chỉ số PMI cao nhất trong 10 tháng, khi đạt 53,3 điểm vào tháng trước, vượt qua Thái Lan, nước dẫn đầu trước đó, có chỉ số đã giảm mạnh xuống 50,7 từ mức cao kỷ lục trong tháng Tư.

Hoạt động của các nhà máy ở Philippines đã phục hồi mạnh mẽ hơn vào tháng 7 (với 51,9 điểm) sau khi đạt mức thấp nhất trong 11 tháng vào tháng 6. Myanmar cũng phục hồi với chỉ số PMI 51,1 từ mức thấp nhất trong 5 tháng của tháng trước.

Singapore đã công bố sự suy giảm đầu tiên sau bốn tháng với chỉ số 48,5 vào tháng 7, cùng với Việt Nam (48,7) và Malaysia (47,8)... đều nằm trong vùng thu hẹp.

Trên toàn khu vực, nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của ASEAN trong tháng 7 tăng với tốc độ yếu hơn so với tháng trước do các đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm mạnh, khiến các quốc gia nỗ lực thúc đẩy “tăng mua” ở thị trường nội địa.

Hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ ​​đầu năm đến nay. Trong khi áp lực chuỗi cung ứng giảm trong tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 7, dù giá đầu vào tiếp tục tăng với tốc độ nhẹ hơn so với những tháng gần đây.

Theo dự báo S&P Global, triển vọng của các nhà sản xuất trong 12 tháng tới tiếp tục suy yếu xuống mức thấp nhất trong ba năm do lo ngại về môi trường kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Nguồn: Tạp chí Thương trường

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: