Điểm tin

Indonesia dự kiến mở nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á

16 tháng 08. 2023

Một quan chức cấp cao của Indonesia cho biết, quốc gia này sẽ có nhà máy tích hợp năng lượng mặt trời lớn nhất trong khu vực, mặc dù danh tính nhà đầu tư tham gia dự án này vẫn còn là một ẩn số.

Việc chuyển dịch cơ cấu sang sử dụng năng lượng mặt trời tại Indonesia là cần thiết

 Về năng lượng, Indonesia là quốc gia còn phụ thuộc chủ yếu vào than đá. Cụ thể, than đá chiếm hơn 40% trong hỗn hợp năng lượng và 60% trên tổng số 73.000MW công suất phát điện của nước này. Điều này khiến cho mục tiêu phát thải carbon xuống 0% vào năm 2060 của Indonesia trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đồng thời, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng điện lưới và mạng lưới cung cấp điện không ổn định là nguyên nhân dẫn đến việc cắt điện thường xuyên và thiếu điện để sử dụng tại quốc gia này, do đó nếu chỉ dựa vào nguồn cung điện có nguồn gốc từ than đá - kể cả là hộ gia đình hay các khu công nghiệp - đều không đem lại hiệu quả về kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của mình trong công cuộc sản xuất và kiến thiết, việc vận dụng tiềm năng năng lượng mặt trời to lớn ở Indonesia trở thành mục tiêu then chốt.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (EMR), dự kiến dân số nước này sẽ đạt 335 triệu người vào năm 2050 và nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng ít nhất 5 lần, đạt hơn 1.700 TWh. Trong khi đó, năng lượng mặt trời chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với thủy điện và địa nhiệt. Dù là một quần đảo nhiệt đới với 17.000 hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi với ánh nắng quanh năm, Indonesia vẫn đứng cuối về công suất điện mặt trời trong số các quốc gia G20. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng của Indonesia chỉ chiếm từ 11-14%. Muốn đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng này lên 23% vào năm 2025 và 31% vào năm 2050, mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng của Indonesia phải vượt qua tốc độ tăng trưởng của dân số và kinh tế.

Mặt khác, theo Bộ Năng lượng của nước này, Indonesia có tiềm năng đạt được 400.000 MW điện mặt trời. Vào năm 2060 hoặc sớm hơn, Indonesia cũng đặt mục tiêu sẽ từ bỏ than đá và trung hòa carbon. Do vậy, việc đầu tư vào năng lượng mặt trời tại quốc gia này ngày càng được chính phủ quan tâm và xem xét, tạo điều kiện thúc đẩy.

Indonesia dự kiến mở nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á

 “Sắp tới chúng tôi sẽ có một thông báo quan trọng về việc vận hành nhà máy tích hợp năng lượng mặt trời lớn nhất trong khu vực. Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo sẽ triển khai dự án trên cuối tháng này hoặc vào đầu tháng Tám tới”, ông Dadan Kusdiana, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo tại Bộ Năng lượng đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN về Năng lượng mặt trời tại Jakarta.

Nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia và ASEAN đạt được mục tiêu 23% tổng mức năng lượng tiêu thụ là năng lượng tái tạo, thậm chí còn có thể đạt được mục tiêu về mức phát thải bằng 0, Dadan nói thêm.

Nhà chức trách Indonesia không tiết lộ nhiều thông tin về kế hoạch nêu trên. Tuy nhiên, ông cũng đã tiết lộ phần nào về đối tác sẽ cùng Indonesia xây dựng nhà máy này. Cụ thể hơn, nhà đầu tư bí ẩn nêu trên đã có chuyến thăm Indonesia trước đó để xác định địa điểm tiến hành xây dựng nhà máy.

“Nếu bạn muốn hỏi về công suất của nhà máy thì sẽ là hơn 10 gigawatt. Đối tác của chúng tôi hiện đang sở hữu một thị trường tương đối lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời”, Dadan nói.

Indonesia muốn học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Tháng 2/2023, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Indonesia (PLN). Indonesia mong muốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm về thu hút đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo; kinh nghiệm vận hành hệ thống điện an toàn với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, công tác lập kế hoạch vận hành và vận hành thời gian thực.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Indonesia là ông Darmawan Prasodjo, cũng đề cao những thành công của Việt Nam trong việc thích ứng và vận hành tốt hệ thống điện với tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27%. Ông Darmawan Prasodjo mong muốn mở ra cơ hội trao đổi kinh nghiệm giữa đội ngũ kỹ thuật và nhân sự giữa hai bên, để PLN có được sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Ông Ngô Sơn Hải cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng hợp tác với PLN trên tinh thần vì lợi ích của hai quốc gia, vì sự phát triển của ngành Điện hai nước. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và PLN cùng bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai hợp tác tốt đẹp. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận, chi tiết hóa các nội dung để có thể tiến tới những hợp tác cụ thể, hiệu quả trong tương lai gần.

Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: