Điểm tin

Các doanh nghiệp Đông Nam Á đang lập trình lại hệ thống quản lý

16 tháng 08. 2023

Các công ty trong khu vực gần đây đã cung cấp nhiều công nghệ quản lý nhân sự tiên tiến với đa cách thức mới với mục tiêu không chỉ cải thiện hiệu suất nguồn nhân lực mà còn trao quyền cho nhân viên…

Theo KR Asia, công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng giúp người sử dụng lao động và các chuyên gia nhân sự làm tốt công tác quản lý. Thông qua các nền tảng nhân sự, các công ty có thể tự động hóa các tác vụ quản trị, hợp lý hóa các quy trình đào tạo đồng thời trao quyền cho nhân viên.

Theo đó, các công cụ quản lý hiện nay đang cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chi tiết về mức độ gắn kết, hiệu suất và hạnh phúc của nhân viên. Những hiểu biết sâu sắc này cho phép họ giải quyết tốt hơn các mối quan tâm và nâng cao sự hài lòng của nhân viên, từ đó thúc đẩy một môi trường làm việc cạnh tranh trong doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP: QUẢN LÝ NHÂN SỰ TOÀN DIỆN VÀ CỤC BỘ

Các chức năng quản lý nhân sự phổ biến bao gồm tuyển dụng, giới thiệu nhân viên, thúc đẩy gắn kết, giữ chân nhân viên và quản lý hiệu suất giờ đây đều tích hợp trên một nền tảng duy nhất.

Theo một số ý kiến, việc kiểm tra thủ công một lượng lớn các email ứng tuyển đôi khi có thể khiến nhà tuyển dụng bỏ sót nhân tài. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều công ty đang xây dựng các hệ thống kiểm duyệt hồ sơ dựa trên AI. Những hệ thống này sẽ rà soát các đơn ứng tuyển trên quy mô lớn để xác định các ứng viên tiềm năng. Từ đó, giúp các nhà tuyển dụng giảm bớt gánh nặng và dành nhiều thời gian hơn để tương tác trực tiếp với các ứng viên đáp ứng các kỹ năng mà công ty mong muốn.

Ví dụ, công ty khởi nghiệp Impress.ai có trụ sở tại Singapore đã tạo ra một nền tảng hỗ trợ AI giúp tự động hóa toàn bộ quy trình tuyển dụng. Vào năm 2021, giải pháp nhà tuyển dụng ảo của nó đã giảm 75% thời gian tuyển dụng của Ngân hàng DBS, tiết kiệm tới 40 giờ làm việc của nhân viên mỗi tháng và mang lại hơn 880 lượt tuyển dụng thành công trên khắp châu Á.

Một trong những tiềm năng đầy hứa hẹn của AI trong việc thu hút nhân tài là khả năng dự đoán.

Có một thực tế là, chức năng của AI không chỉ dừng ở kiểm duyệt hồ sơ, tại một số quốc gia, hệ thống AI đang trở thành nhà tuyển dụng tham gia các buổi phỏng vấn. Theo Tech Collective, trong khi trao đổi với các ứng viên, hệ thống AI sẽ đánh giá hành vi của họ trong toàn bộ quá trình. Từ đó, AI sẽ đưa ra dự báo ứng viên nào có tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, Kerry McInerney, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Giới tính của Đại học Cambridge, đang cảnh báo và lên án các công cụ tuyển dụng AI. McInerney chỉ ra rằng các tiêu chuẩn được AI coi là quan trọng để đánh giá một nhân viên có năng lực có thể bao gồm với giới tính và chủng tộc. Những thành kiến có thể được nhúng vào dữ liệu huấn luyện các thuật toán AI, từ đó gây nên bất bình đẳng trong tuyển dụng. Năm 2018, Amazon quyết định ngừng sử dụng công cụ tuyển dụng AI sau khi phát hiện công cụ này phân biệt đối xử với các ứng viên nữ. Ngoài ra, nhiều người cũng lên án các cuộc phỏng vấn AI vì điều này khiến cho một công ty trở nên lạnh lùng và vô cảm.

NHÂN SỰ: CẢI THIỆN PHÚC LỢI CHO NHÂN VIÊN

Không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, các nền tảng nhân sự cũng mang lại nhiều phúc lợi cho nhân viên

Gallup, công ty tư vấn doanh nghiệp của Mỹ, khẳng định mức độ gắn kết của nhân viên thấp có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 9% GDP toàn cầu. Đây là lý do tại sao các công ty ngày càng có xu hướng tập trung vào sức khỏe của nhân viên tại nơi làm việc, nhất là những công ty lớn.

Chính vì vậy, công ty khởi nghiệp về sức khỏe tâm thần có trụ sở tại Singapore, Intellect, đã hợp tác với các công ty để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các nhân viên. Thông qua nền tảng của họ, người dùng có thể truy cập các dịch vụ như huấn luyện chăm sóc sức khỏe từ xa, trị liệu, tâm thần học và các chương trình trị liệu hành vi nhận thức tự hướng dẫn.

Tại Thái Lan, công ty phát triển nền tảng bác sĩ tư vấn trực tuyến, Ooca đang hợp tác với các công ty địa phương của Thái Lan để cung cấp các dịch vụ tư vấn và tâm thần ảo cho các nhân viên. Nền tảng của họ cung cấp cho các nhân sự các bài kiểm tra, khảo sát và phản hồi để giúp họ hiểu rõ hơn về tâm lý của họ, cũng như xác định các vấn đề căng thẳng mà công ty gây ra cho nhân viên.

Hiện nay, mô hình chủ động nhận lương linh hoạt (EWA) rất phổ biến ở các nước phương tây. Đây là một dịch vụ tài chính cho phép nhân viên gửi yêu cầu nhận trước một phần tiền lương trước ngày trả lương. Chính vì vậy, EWA cung cấp sự linh hoạt về tài chính cho nhân viên, giúp họ giảm bớt căng thẳng tài chính.

Tại Indonesia, một số công ty khởi nghiệp cũng đang cung cấp các dịch vụ EWA, bao gồm GajiGesa, Wagely và Kini. Tại Việt Nam, công ty phần mềm dịch vụ tài chính cá nhân, Gimo cũng đang cung cấp cho các doanh nghiệp nền tảng EWA, cho phép người lao động yêu cầu tiền lương khi cần.

Đông Nam Á có thể đang nổi lên như một trung tâm công nghệ, nhưng nhìn chung tiềm năng của công nghệ trong lĩnh vực nhân sự dường như đang bị bỏ qua. Hiện tượng “nghỉ việc trong yên lặng” ám chỉ sự không hài lòng ngày càng tăng của nhân viên ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty đối với phúc lợi và sự gắn kết của nhân viên. Bằng cách khai thác hiệu quả công nghệ, các công ty có thể giữ chân nhân viên, đạt được lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài và tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp mình.

Nguồn: VnEconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: