Điểm tin

Sự trỗi dậy Fintech: Các khoản đầu tư mạo hiểm và cơ hội thị trường ở Đông Nam Á

18 tháng 08. 2023

Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính ở Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế internet của khu vực. Thị trường này được đánh giá sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2026…

Theo Tech Collective, thanh toán kỹ thuật số sẽ tăng 121%, với 426 triệu người sử dụng ví di động trong 3 năm tới. Tình hình phát triển của Fintech tại ASEAN đặc biệt thể hiện rõ qua số vốn đầu tư. Statista Research cho biết lĩnh vực Đầu tư kỹ thuật số sẽ là thị trường fintech lớn nhất, với tổng giá trị giao dịch là 3,94 tỷ USD vào năm 2023 với giá trị giao dịch trung bình trên mỗi người dùng là 180,80 USD.

Trong nhiều năm qua, fintech luôn là lĩnh vực nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư và các công ty đầu tư mạo hiểm (VC). Nguồn tài chính dồi dào đã thúc đẩy tăng trưởng và mang đến nhiều cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp trong thị trường ở cả giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.

XU HƯỚNG, QUY ĐỊNH VÀ CÔNG NGHỆ ĐỊNH HÌNH NGÀNH FINTECH

Một trong những ứng dụng chính của fintech là ví điện tử. Theo Báo cáo xu hướng ứng dụng của các thiết bị di động năm 2022 được thực hiện bởi nền tảng phân tích tiếp thị toàn cầu Adjust, lượt cài đặt ứng dụng fintech đã tăng 35%, với 57% trong số cài đặt này là ứng dụng thanh toán.

Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý Thương mại điện tử di động trong khu vực đang mạnh hơn bao giờ hết do ví di động giúp khách hàng giao dịch thuận tiện từ mọi nơi và kiếm tiền thông qua các ứng dụng khác nhau.

Nói về những công nghệ đang được ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ tài chính, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đang áp dụng các giải pháp AI và ML để hỗ trợ các sản phẩm fintech sáng tạo của họ. Những công nghệ này có thể trợ giúp việc lưu trữ và phân tích dữ liệu, tạo báo cáo để làm nổi bật các xu hướng trong lĩnh vực, tính toán các giao dịch và tự động hóa các dịch vụ khác nhau.

Vào năm 2021, Tech Collective từng khẳng định việc sử dụng chuỗi khối đang tăng lên do “nhu cầu về bảo mật, tính minh bạch và số hóa” trong khu vực. Thị trường chuỗi khối có khả năng đạt 15,88 tỷ USD vào năm nay do những lợi ích nổi bật như nâng cao tính minh bạch, cung cấp các giao dịch có thể theo dõi và giảm hoạt động gian lận, công nghệ chuỗi khối đang thực sự đóng góp để nâng cao lĩnh vực công nghệ tài chính.

Môi trường pháp lý ở Đông Nam Á đã phát triển trong những năm qua. Nhiều quốc gia nhận ra sự cần thiết phải giám sát lĩnh vực tài chính và đưa ra hướng dẫn để khuyến khích đầu tư và đổi mới đồng thời bảo vệ khách hàng. Theo đó, Singapore dẫn đầu trong việc thực thi các luật mới cho lĩnh vực này, nhưng các luật bổ sung là cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng khi họ áp dụng fintech.

CƠ HỘI CHO CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP FINTECH TẠI ĐÔNG NAM Á

Sự trỗi dậy của fintech đã tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp phát triển các giải pháp sáng tạo và có lợi cho thị trường. Các tính năng thanh toán kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến, theo một báo cáo của nền tảng thanh toán toàn cầu 2C2P và hiệp hội thành viên toàn cầu dành cho các chuyên gia thanh toán và phòng chống gian lận Hội đồng rủi ro thương gia (MRC).

Trong báo cáo “Cách Đông Nam Á Mua và Thanh toán năm 2022: Cơ hội, Kết nối và Rủi ro Mới” của 2C2P, các tùy chọn Mua ngay Trả sau (BNPL) đã tăng 3,5 lần kể từ năm 2021, trong khi Thanh toán theo thời gian thực (RTP) sẽ tăng gấp 8 lần giao dịch để đạt 12.978,7 tỷ USD vào năm 2026.

Vào năm 2022, Google, Temasek và Bain & Company đã phát hành Báo cáo e-Conomy SEA 2022, trong đó chỉ ra rằng các lĩnh vực hàng đầu của ASEAN là dịch vụ tài chính, Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải & thực phẩm và du lịch trực tuyến. Các lĩnh vực non trẻ bao gồm công nghệ y tế, Web3, edtech và Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS). Những lĩnh vực này mang đến cơ hội cho các công ty khởi nghiệp fintech ở Đông Nam Á tạo được dấu ấn.

Ngoài các vấn đề về công nghệ, áp dụng và quy định, việc tạo ra các giải pháp fintech phù hợp với các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là một thách thức. Trong Báo cáo thị trường vốn và ngân hàng năm 2022, công ty dịch vụ chuyên nghiệp Deloitte lưu ý rằng ASEAN có thể tạo ra 12,5 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế bằng cách giảm lượng khí thải carbon. Kế hoạch này vẫn là một mối lo ngại vì các công nghệ như chuỗi khối có thể gây ra tác hại đáng kể cho môi trường.

Nhìn chung, Tech Collective tổng hợp những rủi ro đối với lĩnh vực này hiện nay bao gồm tài trợ giảm, áp dụng công nghệ còn chậm, các vấn đề về an ninh mạng và thiếu sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Chính vì vậy, lời khuyên ở đây là các quốc gia trong khu vực nên tăng cường hợp tác thương mại xuyên biên giới, đồng thời, trao đổi và chuyển giao công nghệ để từ đó đưa thị trường fintech tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm đến hàng đầu với các nhà đầu tư.

Nguồn: VnEconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: