Điểm tin

"Chìa khóa" đảm bảo an ninh lương thực của Malaysia

25 tháng 08. 2023

Mặc dù chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp do cuộc xung đột ở Ukraine, song đảm bảo an ninh lương thực ở Malaysia đang là vấn đề cấp bách, đặc biệt liên quan đến sản phẩm như lúa mỳ hay ngũ cốc khác.

Hậu quả của cuộc xung đột dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, giá cả leo thang và khan hiếm nguồn cung, khiến Malaysia - quốc gia nhập khẩu lương thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh Chính phủ Malaysia tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, đặc biệt chiến lược nền kinh tế Madani nhằm củng cố an ninh lương thực quốc gia, các chuyên gia trong nước đang khẩn trương đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp này.

Nguy cơ mất an ninh lương thực có thể xuất hiện trong thời gian tới, đặc biệt là khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo trên toàn cầu. Nhận định này được đưa ra sau khi Ấn Độ ngày 20/7 đã tạm dừng xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati nhằm giảm giá gạo trong nước và đảm bảo nguồn cung. Malaysia có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo trong vài tháng tới, dẫn đến biến động nguồn cung.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nội địa

Cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Sim Tze Tzin cho rằng Chính phủ Malaysia cần có chiến lược hiệu quả để tăng cường nhập khẩu, dự trữ gạo.

Mặt khác, ông cho biết để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, Malaysia cần tăng năng suất lúa gạo, tích hợp sử dụng công nghệ để khai thác hết tiềm năng nông nghiệp hiện nay.

Để đạt được mục tiêu này, ông Sim Tze Tzin cho rằng Malaysia cần chuyển từ trợ cấp đầu vào sang khuyến khích đầu ra. Việc áp dụng các khoản trợ cấp theo sản lượng có thể thúc đẩy người nông dân tăng năng suất cây trồng, khuyến khích họ tập trung sản xuất, thúc đẩy cạnh tranh giúp tăng sản lượng thu hoạch chung và đảm bảo an ninh lương thực.

Việc cơ giới hóa, tích hợp công nghệ cao hay những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu để tăng năng suất trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như trồng lúa, dầu cọ, rau, nuôi gia cầm hay nuôi cá.

Ông đánh giá cao khoản ngân sách 200 triệu RM (43,1 triệu USD) được phân bổ thông qua ngân hàng Agrobank để cải tiến công nghệ. Tuy nhiên, việc phân phối thường tập trung hỗ trợ các tập đoàn lớn hơn là người nông dân.
Để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, người dân nên ưu tiên mua các sản phẩm được sản xuất tại địa phương nhằm hỗ trợ tối đa cho người nông dân. Malaysia nhập khẩu khoảng 30% lượng gạo cùng với lượng lớn trái cây, ớt, cũng như thức ăn chăn nuôi.

Khuyến khích hợp tác giữa các cộng đồng nông nghiệp địa phương

Lãnh đạo phụ trách quản lý và điều tiết của Bộ Nông nghiệp Malaysia, bà Nor Sam Alwi, cho biết việc đảm bảo an ninh lương thực có thể được thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong các cộng đồng nông dân địa phương. Điều này cần một hệ thống chính sách hỗ trợ ưu tiên nông nghiệp địa phương, cung cấp ưu đãi cho người nông dân ở quy mô nhỏ, bảo vệ quyền lợi của họ, cũng như quyền sử dụng đất, thương mại công bằng và các quy định giúp thúc đẩy các phương thức canh tác bền vững.

Ngoài ra, cần cung cấp hệ thống đào tạo, giáo dục cho người nông dân về kỹ thuật canh tác hiện đại, bền vững, kinh nghiệm quản lý nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh và xử lý nông sản sau thu hoạch. Để làm được điều này, Malaysia cần phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa và luân canh cây trồng, tăng cường tiếp cận thị trường và phân phối, nghiên cứu và phát triển tập trung vào nhu cầu của người nông dân ở từng địa phương, xây dựng hệ thống hợp tác giữa người nông dân ở các khu vực khác nhau. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phương thức canh tác mới sẽ giúp người nông dân có thể trồng được các giống cây mới, cho năng suất cao hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Nông nghiệp cần phải sử dụng công nghệ để thu thập thông tin, dữ liệu về điều kiện đất đai, thời tiết và sức khỏe của cây trồng. Dữ liệu này được thu thập từ GPS, máy bay không người lái và cảm biến, sau đó được sử dụng để tối ưu hóa việc tưới tiêu, bón phân và kiểm soát dịch bệnh, giúp tiết kiệm tài nguyên và cho năng suất cây trồng cao hơn. Nhiều nền tảng công nghệ cao hiện nay có thể cung cấp thông tin cho người nông dân theo thời gian thực, giúp quản lý rủi ro, từ đó tối đa hóa lợi nhuận.

Các phương pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp khác

Việc sử dụng nước hiệu quả rất cần thiết cho nền nông nghiệp bền vững vì các công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, phun mưa, tái sử dụng nước có thể giúp đảm bảo tài nguyên. Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống nông nghiệp có khả năng chống lại biến đổi khí hậu.

Bà Nor Sam chia sẻ: “Có một số dự án bảo tồn đất thuộc Bộ Nông nghiệp như quản lý nông nghiệp bền vững, dự án quản lý đất theo từng địa điểm cụ thể nhằm giảm mục đích giảm lượng phát thải khí carbon trong ngành nông nghiệp”.

Biến đổi khí hậu mang đến những thời tiết khó lường, cực đoan, đặc biệt là sự thay đổi nhiệt độ. Các chiến lược đảm bảo an ninh lương thực bền vững phải ưu tiên sử dụng các biện pháp nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phương pháp tưới tiêu và luân canh cây trồng, giữ độ phì nhiêu và khả năng giữ nước.

Các biện pháp chủ động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn đồi hỏi sự kết hợp của các bộ, ngành và người dân. Đặc biệt, cần có chính sách dự trữ lương thực chiến lược, hệ thống cảnh báo sớm, các chương trình cứu trợ lương thực khẩn cấp, hỗ trợ mạng lưới sản xuất và phân phối lương thực ở địa phương. Bà Nor Sam chia sẻ thêm Chính phủ Malaysia đã phê duyệt 5 triệu RM để phát triển nông nghiệp bền vững, 17 triệu RM cho chương trình nâng cao tỷ lệ cung cấp rau và quản lý đất.

Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế Nungsari Ahmad Radhi cho rằng Malaysia không phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực mà là nguy cơ lạm phát, giá lương thực leo thang. Để ngăn chặn, chính phủ cần có chính sách cải thiện khả năng tiếp cận nguồn cung thông qua các thỏa thuận thương mại. Ông đánh giá, Singapore - quốc gia không sản xuất lương thực, được xếp hạng cao hơn về an ninh lương thực vì nước này đã đảm bảo được nguồn cung ổn định.

Để mô phỏng thành công của Singapore, ông Nungsari Ahmad cho rằng Malaysia cần tận dụng thế mạnh, đặc biệt là tư cách một trong các nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới để có thể trao đổi dầu cọ lấy các mặt hàng lương thực thiết yếu như gạo. Bên cạnh đó, ông cũng nhất trí với quan điểm rằng cần nhanh chóng đảm bảo khả năng tự sản xuất lương thực ở trong nước.

Malaysia có nhiều lợi thế như đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, vị trí địa chính trị chiến lược. Do đó nước này cần chuyển đổi việc sử dụng đất đồn điền sang trồng cây nông nghiệp và kêu gọi đầu tư từ các nhà sản xuất thực phẩm lớn. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, ông cho rằng cần kêu gọi đầu tư từ những công ty có mối quan hệ “cộng sinh” với doanh nghiệp địa phương và thiết lập mô hình sinh thái nông sản, thực phẩm bền vững.

Ông Nungsari Ahmad cũng đánh giá cao những sáng kiến của Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cho rằng đây là một tín hiệu đáng khích lệ và đất nước đang đi đúng hướng. Để đảm bảo rằng Malaysia không phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực trong tương lai, Malaysia cần đảm bảo nguồn cung, tăng sản lượng dự trữ chiến lược, thúc đẩy sử dụng sản phẩm sản xuất ở địa phương./.

Nguồn: BNews  

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: