Điểm tin

World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan

04 tháng 10. 2023

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm 2024 của Thái Lan, dựa trên dự báo rằng ngành xuất khẩu của nước này sẽ suy giảm do nhu cầu toàn cầu.

Bangkok Post đưa tin, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2023, WB đã hạ mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Thái Lan từ mức 3,6% trong dự báo trước đó xuống còn 3,4%. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Thái Lan cũng bị hạ từ 3,7% hồi tháng 4 xuống 3,5%.

Giải thích cho điều này, WB cho biết ngành xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 2,1% vào năm 2023 (tính theo USD) do nhu cầu từ các nền kinh tế lớn giảm sút. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý 2/2023 của nước này cũng giảm nhiều hơn dự kiến, xuống còn 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo, WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 và 2024 của Thái Lan chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành du lịch và tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ. Lượng du khách quốc tế đến nước này dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2024.

Vào năm 2025, tăng trưởng kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ là 3,3%. WB cũng dự báo lạm phát chung năm 2023 của nước này là 1,5% - mức thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi, do giá năng lượng giảm và việc áp dụng trần giá liên tục.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo Thái Lan về những rủi ro đối với lạm phát lõi do tiêu dùng tăng và giá lương thực toàn cầu tăng cao. Bên cạnh đó, với tiến độ củng cố tài chính chậm do chính sách trợ cấp năng lượng kéo dài, tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 60% cho đến cuối năm 2023.

Báo cáo cho biết, cán cân vãng lai dự kiến sẽ đảo ngược tình trạng thâm hụt sâu trong 2 năm qua và sẽ trở lại vùng tích cực vào năm 2023.

Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro cho biết: “Tỷ lệ nợ hộ gia đình của Thái Lan đang tương đương 90,6% GDP. Đây chính là mối lo ngại cao hơn so với vấn đề nợ công”.

Nợ công của nước này dự kiến ​​ở mức 60,2% GDP trong năm nay, sau đó giảm xuống còn 59,6% vào năm 2024 và xuống còn 59,5% vào năm 2025. Tỷ lệ nghèo tại Thái Lan được dự đoán sẽ giảm xuống 9,1% vào năm 2023 và duy trì quỹ đạo giảm trong suốt năm 2024 và năm 2025.

Trong báo cáo công bố ngày 2/10, WB cho biết các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2023. Con số này thấp hơn so với ngưỡng dự báo được đưa ra hồi tháng 4 trước đó là 5,1%. Tới năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này được kỳ vọng ở ngưỡng 4,5%, tiếp tục bị cắt giảm so với dự báo 4,8% đưa ra hồi tháng 4.

Đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Trung Quốc, WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 5,1% cho năm 2023 nhưng lại hạ dự báo cho năm 2024 từ 4,8% xuống 4,4%. Nguyên nhân được đưa ra là do “các yếu tố cấu trúc dài hạn”, mức nợ tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn cao hơn mức tăng trưởng dự kiến ​​ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển khác.

"Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất và năng động nhất trong số các khu vực chính trên thế giới vào năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ ở mức vừa phải do nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại", Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro nhận xét.

Ông cho biết, trong trung hạn, việc duy trì tăng trưởng cao tại khu vực này sẽ đòi hỏi chính phủ các nước phải thực hiện cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, để duy trì khả năng cạnh tranh công nghiệp, đa dạng hóa đối tác thương mại và tăng năng suất trong các lĩnh vực.

Nguồn: Tạp chí Mekong Asean

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: