Điểm tin

"Mùa đông gọi vốn" của startup Đông Nam Á vẫn kéo dài

04 tháng 05. 2024

Khảo sát cho thấy, trong quý I/2024, đầu tư vốn cổ phần trong khu vực Đông Nam Á giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái do mùa đông gọi vốn vẫn kéo dài.

Việc huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á trong quý 1/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua, phản ánh sự suy giảm nguồn vốn kéo dài trong khu vực kể từ khi đại dịch COVID-19 kết thúc và có rất ít dấu hiệu phục hồi.

Các công ty khởi nghiệp trong khu vực đã huy động được 1 tỷ USD vốn cổ phần trong ba tháng đầu năm 2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và chưa bằng một nửa so với quý 4 năm 2023, theo SE Asia Deal Review. Tổng cộng có 180 giao dịch được thực hiện trong quý, giảm mạnh so với 193 giao dịch một năm trước đó.

Bên cạnh đó, theo Tracxn, sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư rót vào khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự thiếu vắng các thương vụ gọi vốn ở giai đoạn cuối. Cụ thể, số vốn rót vào các startup ở những vòng cuối của quý I/2024 chỉ đạt 175 triệu USD, giảm tới 80% so với quý IV/2023.

Việc gây quỹ khởi nghiệp ở Đông Nam Á bắt đầu vào cuối những năm 2010 và đạt đỉnh điểm vào năm 2021, khi các doanh nghiệp kỹ thuật số từ fintech đến y học từ xa huy động được rất nhiều vốn đầu tư trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ đã có xu hướng giảm kể từ quý IV/2021, khi sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ toàn cầu trong thời đại đại dịch chững lại và lãi suất bắt đầu tăng. Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự điều chỉnh này do khu vực khởi nghiệp thiên về các dịch vụ tiêu dùng.

Thương mại điện tử là một trong những ngành giảm mạnh nhất trong quý I/2024. Lĩnh vực này chỉ chứng kiến 10 thương vụ huy động vốn với 18 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Điều này cũng phần nào cho thấy sự khó khăn của lĩnh vực này. Vào tháng 1, Lazada được cho là đã sa thải tới 30% nhân viên của mình trên toàn khu vực khi cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Các chuyên gia nhận định, các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư hiện có rất ít cách để bán cổ phần của mình. Điều này đã khiến các nhà đầu tư chuyển sang các giao dịch ở giai đoạn đầu. Theo Shane Chesson, nhà sáng lập của Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore nói với Nikkei Asia: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các đợt thoái vốn lớn bị trì hoãn đến năm 2025. Bạn cần thị trường ổn định hơn và có thể cho các công ty thêm một năm nữa để củng cố tình hình tài chính.”

Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có 5 thương vụ được các công ty khởi nghiệp hoàn thành trong 3 tháng đầu năm 2024. Mặc dù có quy mô nhỏ hơn nhưng thương vụ mua cổ phần lớn nhất trong quý I/2024 lại được thực hiện bởi Asialink Finance, một công ty chuyên cấp vốn cho các doanh nghiệp SME có trụ sở tại Philippines. Được biết, công ty này huy động được 71,3 triệu USD.

Một công ty fintech khác của Philippines, UNOBank, cũng đã huy động được 32,1 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh ngân hàng số. Các công ty huy động vốn lớn khác trong quý I bao gồm công ty khởi nghiệp di động SingAuto của Singapore (45 triệu USD) và công ty gọi xe Việt Nam Be Group (30,3 triệu USD).

Mặc dù hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã huy động được tổng số vốn là 35,7 triệu USD trong quý I/2024, giảm 39% so với cùng kỳ 2023, nhưng vươn lên đứng thứ ba khu vực về số vốn đầu tư mà startup huy động được, sau Singapore và Indonesia.

Nhìn một cách tổng quan, Đông Nam Á vẫn là khu vực có nhiều hứa hẹn với giới đầu tư, được thể hiện qua một số yếu tố nhất định. Với tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực cao hơn so với nhiều khu vực khác, cùng dân số trẻ và việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng, các startup ở Đông Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: