Điểm tin

Những góc nhìn 'thú vị' của người Việt về TPP

10 tháng 04. 2017

Dù tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn đang khá mờ mịt nhưng báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) mới công bố đã cho thấy những góc nhìn thú vị của người dân về TPP.

TPP là hiệp định thương mại tự do được 12 quốc gia ký kết vào ngày 4/2 năm 2016 tại New Zealand sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Điều đáng chú ý là hiệp định này có sự tham gia của Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác, nhưng không có Trung Quốc. Một khi TPP được các quốc gia thành viên phê chuẩn, thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang một số thị trường nhập khẩu lớn trong TPP sẽ giảm, và các ý kiến đánh giá độc lập cho rằng điều này có thể có lợi cho Việt Nam.

Ngoài việc giảm thuế quan, TPP cũng sẽ có những tác động nhất định đến Việt Nam khi bị áp đặt các điều kiện bổ sung. Đặc biệt, một trong những điều kiện của TPP là Việt Nam sẽ không được phép xuất khẩu hàng hóa trong đó phần lớn nguyên vật liệu đầu vào sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, TPP cũng yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập trong thời hạn 5 năm kể từ khi phê chuẩn Hiệp định.

Vậy người dân Việt Nam biết gì về TPP? Họ có ý kiến như thế nào về hiệp định này và một số điều khoản đi kèm? Kết quả cho thấy mức độ hiểu biết và ủng hộ của người trả lời với TPP và một số điều khoản cụ thể.

Nhìn chung, kết quả khảo sát của PAPI 2016 cho thấy, đa số người trả lời cho biết họ chưa từng nghe đến TPP. Chỉ có 27% số người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho biết họ đã từng nghe đến hiệp định này. Tuy nhiên, có một tỉ lệ lớn người trả lời ủng hộ TPP và những điều khoản được nêu ra để khảo sát người dân.

Trong số những người đã biết về TPP trước khi khảo sát diễn ra, 75% cho rằng TPP sẽ đem lại những điều tốt cho Việt Nam, 88% ủng hộ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam, và 71% ủng hộ cho phép nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ các nước thành viên TPP. Ngoài ra, 78% ủng hộ quy định không ưu đãi những hàng hóa mà phần lớn nguyên vật liệu xuất xứ từ Trung Quốc, và 65% ủng hộ quy định yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập.

Đối với những người chưa từng nghe đến TPP, phỏng vấn viên PAPI 2016 đã đọc phần giới thiệu sơ bộ về hiệp định này. Sau khi có thông tin, 60% số người trả lời đã nêu ý kiến của mình về TPP và các điều khoản được hỏi; 40% số người còn lại không nêu quan điểm về các điều khoản cụ thể. Điều đáng lưu ý là, giữa nhóm người đã biết TPP từ trước với nhóm người chỉ biết đến TPP khi được khảo sát, tỉ lệ không ủng hộ TPP chỉ chênh lệch 5%. Điều đó cho thấy có một số lượng lớn người trả lời thực sự ủng hộ TPP.

Trước khi phân tích theo nghề nghiệp và đặc điểm nhân khẩu học, có thể có ý kiến cho rằng người lao động trong những ngành nghề khác nhau có thể có quan điểm khác nhau về TPP. Sau khi phân tích theo mẫu khảo sát PAPI theo từng phân nhóm đó, nhất là sau khi tính đến các yếu tố quyết định hiểu biết của người trả lời về TPP, kết quả phân tích cho thấy sự ủng hộ đối với TPP khá cân bằng giữa các nhóm mẫu. Sau khi đã tính đến yếu tố người dân đã nghe đến TPP, yếu tố nhân khẩu học mang tính quyết định đến sự ủng hộ đối với hiệp định này là Đảng viên và thành viên của các tổ chức đoàn thể. Những người là Đảng viên có xu hướng ủng hộ TPP nhiều hơn (với tỉ lệ hơn 20%) so với những người không là Đảng viên, trong khi các yếu tố khác là như nhau. Những người là thành viên của các tổ chức đoàn thể có xu thế ủng hộ TPP nhiều hơn (với tỉ lệ hơn 10%) so với những người không hoặc chưa là thành viên. Điều này có thể là vì Đảng viên và thành viên các tổ chức đoàn thể nhận được nhiều thông tin về TPP hơn so với các nhóm nhân khẩu khác.

"Nhìn chung, tỉ lệ người dân biết về TPP vẫn còn khá thấp, song TPP nhận được sự ủng hộ của đa số những người biết đến hiệp định này. Đồng thời, trong số những người ủng hộ TPP, phần lớn là những người được tiếp cận thông tin hoặc được tham gia trong quá trình thảo luận về TPP", báo cáo này nhận định.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: