Điểm tin

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Mỹ

01 tháng 06. 2017

Kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ở mức cao. Hiện Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về XK hàng hóa sang Mỹ và xếp thứ 27 về NK hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 29 đến 31/5 được kỳ vọng là “đòn bẩy” để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới.

Thương mại tăng trưởng liên tục

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Mỹ (BTA) có hiệu lực (năm 2000) đến nay, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và đạt trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016.

Trong đó, XK đạt 38,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với năm 2015, NK đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,7%.

Như vậy, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về XK hàng hóa sang Mỹ và xếp thứ 27 về NK hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này (tính đến tháng 12/2016).

Thương mại Việt Nam- Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn khi có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng TPP hiện nay đang dang dở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rời khỏi TPP. Liệu vấn đề này có tác động như thế nào đến thương mại hai nước, nhất là việc XK của Việt Nam sang thị trường này?

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, việc tân Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đã xuất hiện những e ngại rằng việc XK hàng hóa sang Mỹ của Việt Nam sẽ bị sụt giảm và chững lại trong năm 2017 do bị ảnh hưởng của các chính sách của chính phủ mới, đặc biệt với việc Mỹ đã rút ra khỏi TPP - Hiệp định vốn được cho là có lợi cho các nước XK vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. “Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2017, XK hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ chưa phải chịu tác động bất lợi gì từ sự kiện này”, ông Đông khẳng định.

Vị này dẫn chứng, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ đạt 12,4 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch hàng XK của Việt Nam, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Ở chiều ngược lại, tính đến cuối tháng 4/2017, kim ngạch NK từ Mỹ của Việt Nam đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng kim ngạch hàng NK của Việt Nam, tăng 22%. Cơ cấu XNK hàng hóa giữa hai nước chưa có gì thay đổi, Việt Nam chủ yếu XK sang Mỹ thuỷ sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản…, NK từ Mỹ máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện, bông các loại,  thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt Nam

Cùng với sự tăng trưởng về thương mại, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng tạo ra những con số ấn tượng. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến hết ngày 20/5/2017, có tới 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Mỹ xếp thứ 11 về đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 95,99 triệu USD, chiếm 0,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã đầu tư khá thành công tại Việt Nam. Ví dụ, hồi tháng 3/2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung phát triển dự án và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Mỹ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Hay mới đây, Jabil Circuit, Inc-  một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, đã chính thức động thổ xây dựng khu sản xuất mới tại Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP).

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) còn cho thấy, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn số 1 của DN Mỹ trong số các nước Đông Nam Á. Có tới 72% các DN Mỹ đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện tích cực. Trên 40% DN Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Hơn 80% các DN của Mỹ kỳ vọng hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của họ sẽ tăng trong năm tới.

Có thể thấy, mặc dù vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam so với một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản còn khiêm tốn song các DN Mỹ tại một số hội thảo, diễn đàn mới diễn ra đều khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. “Điều đó cho thấy sự lạc quan về kỳ vọng và sự lựa chọn của cộng đồng DN Mỹ, coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong ASEAN”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Hy vọng một hiệp định song phương

Dẫn chứng với những lập luận trên cho thấy, việc Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại cũng như đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Chưa thể có dự đoán chính xác nào về động thái của chính quyền Mỹ đối với tương lai quan hệ kinh tế Việt Nam-Mỹ, song ông Lộc hy vọng sẽ có hình thái mới của thoả thuận song phương và đa phương để thay thế TPP. “Việc Mỹ đã rút lui khỏi TPP, chúng tôi cần phải tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết những vấn đề tiếp cận thị trường mà một số cách thức khác mà các công ty Mỹ đang phải đối mặt tại Việt Nam”, bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cao cấp của Amcham tại Hoa Kỳ cho biết.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, gồm cả triển vọng của hiệp định thương mại tự do song phương. Chúng tôi tự tin, xu hướng tăng trưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được tiếp tục và có thể được củng cố thêm. Amcham ủng hộ con đường hướng tới hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư song phương, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế và cơ hội việc làm cho nhân dân hai nước”.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/5 được coi là "đòn bẩy" để Việt Nam xây dựng quan hệ và thiết lập quan hệ thương mại, đầu tư với Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Mỹ thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. 

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: