Điểm tin

Vị thế của EU tại Đông Nam Á

20 tháng 10. 2017

Theo Khảo sát tâm lý kinh doanh EU - ASEAN hàng năm, các doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì triển vọng tích cực đối với khu vực Đông Nam Á. Theo đó, 3/4 doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng gia tăng lợi nhuận ở Đông Nam Á trong năm 2017, và cũng gần 3/4 doanh nghiệp cho biết khu vực ASEAN đã trở nên quan trọng hơn trong doanh thu toàn cầu của họ trong 2 năm trở lại đây.

Hơn 80% doanh nghiệp tin rằng EU cần theo đuổi một hiệp định thương mại tự do với ASEAN, một sự gia tăng đáng kể so với tỷ lệ 66% trong năm 2016. Đặc biệt, hơn 50% doanh nghiệp cảm thấy rằng họ ở thế bất lợi trong khu vực ASEAN khi không có một hiệp định như vậy.

EU và ASEAN - mối quan hệ tiềm năng

Qua 4 kỳ đại hội của Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (Asia - Europe Meeting, ASEM), tiến trình hợp tác Á- Âu ngày càng được phát triển. Theo đó, EU tìm thấy ở châu Á nói chung và ASEAN nói riêng một thị trường khổng lồ với nguồn nhân công giá rẻ, tỷ suất đầu tư hấp dẫn, thị trường buôn bán đầy tiềm năng, tốc độ công nghiệp hoá nhanh cần nhiều công nghệ, vốn đầu tư, hàng hoá chất lượng cao mà EU có thế mạnh.

Theo đánh giá của một chuyên gia, EU có thể có một cơ hội vàng trong các thỏa thuận thương mại quốc tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tan rã. Bởi vì, khi rút khỏi TPP, Mỹ đã đánh mất vị thế dẫn dắt và thiết kế các thỏa thuận thương mại trong tương lai, và EU nghiễm nhiên trở thành người kế nhiệm.

Viễn cảnh nói trên dường như đang trở thành hiện thực khi EU đã chủ động tiếp cận các thỏa thuận thương mại kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP. Theo đó, EU đã tiến hành một số cuộc đàm phán với các quốc gia thành viên còn lại của TPP về những thỏa thuận hợp tác, như Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết năm 2015 và có hiệu lực từ đầu năm 2018. Hiệp định này sẽ loại bỏ 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên. Ngoài ra phải kể đến Hiệp định Thương mại Tự do EU - Singapore cũng sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cho rằng, những Hiệp định nói trên sẽ là một bệ phóng cho các thỏa thuận khác trong tương lai với các thành viên ASEAN.

Trong khi EU đang theo đuổi những cơ hội hợp tác tại Đông Nam Á, những doanh nghiệp Mỹ cũng đang nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ châu Âu và ngày càng kêu gọi một cách tiếp cận hợp lý về thương mại và liên kết chặt chẽ hơn với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chẳng hạn, mới đây Hiệp hội Ngũ cốc và Thức ăn Quốc gia Mỹ và Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Bắc Mỹ đã kêu gọi thiết lập những hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bởi vậy, giới chuyên gia lưu ý EU cần phải cẩn trọng trong việc thực hiện cam kết của mình trong khu vực châu Á, vì có thể tình thế sẽ thay đổi khi Mỹ quyết định thúc đẩy các hiệp định thương mại quốc tế tại khu vực này và Anh cũng sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại riêng của mình. Bước tiến của EU vào châu Á sau lời cảnh tỉnh TPP là đáng chú ý và chắc chắn sẽ củng cố mối quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế của EU tại khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.

Cơ hội cho Việt Nam

HIện nay, EU đang dần trở thành "đối tác chiến lược" của Việt Nam, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ,... Việc Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA với EU sẽ tạo động lực để những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á tiến hành một hiệp định tương tự với EU.

Khi EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU, Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước có liên quan.

Đánh giá về lợi thế khi EVFTA có hiệu lực, ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, nhiều dòng thuế sẽ giảm và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đặt chân sâu hơn vào thị trường 500 triệu dân ở châu Âu. Tuy vậy, ông Bruno cho rằng, giảm thuế quan chỉ là một lợi thế; để xuất khẩu được hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mà EU đặt ra. Từ giờ đến khi hiệp định có hiệu lực, vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và chuẩn bị.

"Không riêng gì các doanh nghiệp, mà chính quyền các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng cần chuẩn bị để có thể đón nhận cơ hội từ EVFTA thông qua việc kêu gọi đầu tư vào địa phương mình", ông Bruno nói. 
Có thể nói, việc thúc đẩy EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn, tạo cơ hội trao đổi để các nhà sản xuất Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới để tránh phụ thuộc nhiều vào các thị trường đã quá đỗi quen thuộc như Trung Quốc, vốn không đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: