Điểm tin

Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017

25 tháng 10. 2017

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 kết thúc và ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng, thống nhất về tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực; tình hình triển khai Kế hoạch hành động Cebu (CAP); thông qua 4 chủ đề ưu tiên hợp tác tài chính trong năm 2017, cụ thể:

Về kinh tế toàn cầu và khu vực, các Bộ trưởng Tài chính cam kết sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động ưu tiên, hợp tác về kinh tế, tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu cùng vun đắp tương lai chung. Sử dụng các công cụ chính sách, tiền tệ, tài khóa, cơ cấu ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp chung để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, bao trùm. Chính sách tài khoá phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nền kinh tế cần được sử dụng một cách linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP duy trì ở mức bền vững. Khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình cải cách cơ cấu đối với tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm. 

Về Kế hoạch hành động Cebu, các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc đăng ký, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu (CAP). Khuyến khích các nền kinh tế thành viên, trên nguyên tắc tự nguyện và không ràng buộc, tiếp tục gửi đăng ký các hoạt động và sáng kiến tương ứng với CAP để triển khai phù hợp với hoàn cảnh trong nước. Hoan nghênh sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, các diễn đàn phù hợp trong APEC và những đóng góp của Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC và Diễn đàn Tài chính châu Á - Thái Bình Dương vào việc triển khai CAP.

Về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh những nỗ lực và kết quả hợp tác về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong năm APEC 2017, thực hiện định hướng theo Trụ cột 4 của CAP và thông qua Tuyên bố chính sách về Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế thành viên APEC; khuyến khích các nền kinh tế cân nhắc các kiến nghị nhằm cải thiện nguồn đầu tư dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác khu vực, tìm kiếm, phát triển các giải pháp tài chính hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu cũng như các tổ chức quốc tế khác tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC xây dựng bài học kinh nghiệm tốt, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế về đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vấn đề Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, nhận thức tác động quan trọng của các vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đến các nền kinh tế thành viên APEC; sự cần thiết tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận, các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý thuế nhằm giải quyết những thách thức về BEPS trong khu vực; nâng cao tính chắc chắn, minh bạch, công bằng của hệ thống thuế. Hoan nghênh những nỗ lực của các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng chương trình hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS và các hành động BEPS có liên quan khác trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác thực hiện dự án BEPS trong khu vực APEC, được khởi xướng trong năm Chủ tịch của Việt Nam 2017.

Về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Tuyên bố chung chỉ rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính về bảo hiểm rủi ro thiên tai trước những tác động ngày càng tăng của thiên tai và những nghĩa vụ dự phòng của các nền kinh tế trong khu vực. Các chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai hiệu quả, bao gồm cả giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công, qua đó hỗ trợ kịp thời hơn cho công tác phục hồi và tái thiết khi xảy ra thiên tai. Khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin rủi ro phù hợp; nhận thức vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các công cụ chuyển đổi rủi ro trên thị trường; phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để tìm kiếm các giải pháp tiềm năng…

Về vấn đề Tài chính bao trùm, xác định tài chính nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững khu vực nông nghiệp nông thôn… Khuyến khích các nền kinh tế thành viên trên nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc, cân nhắc những khuyến nghị này để có thể góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu, phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững. Các bộ trưởng tài chính cũng đề nghị Ngân hàng thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC, các đối tác phát triển quốc tế khác tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế APEC triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực và thúc đẩy hợp tác về thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ đầu tư và thương mại xuyên biên giới…

 Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Papua New Guinea vào tháng 10-2018.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: