Điểm tin

Cần tiếp tục gỡ vướng về “hộ chiếu” cho hàng Việt xuất ngoại

17 tháng 01. 2018

Để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu hưởng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại (FTA), thời gian qua Bộ Công thương đã trao quyền cho DN trong việc tự chứng nhận xuất xứ (CNXX) hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của các DN còn rất thấp.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Trên thực tế, trong gần 5 năm qua, việc thực hiện giấy chứng nhận xuất xứ (CNXX) hàng hóa không xa lạ gì với các DN Việt Nam, nhất là DN xuất khẩu nhằm đón bắt, tận dụng những cơ hội đến từ các FTA. Đặc biệt, Thông tư 28/2015/TT-BCT của Bộ Công thương ra đời (năm 2015) đã quy định cho DN được tự thực hiện CNXX, tức là cơ quan chức năng đã trao quyền chủ động hoàn toàn cho DN trong vấn đề này.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương (Hà Nội) cho biết, các DN dệt may phải nhập khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào nên mất nhiều thời gian để làm C/O. Từ khi được cho phép tự làm CNXX, DN đã giảm thiểu được nhiều thời gian, công sức và chi phí. Không chỉ vậy, tự CNXX hàng hóa giúp DN am hiểu hơn về các cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA nhằm tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan.

Bà Hương nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế mở, khi mà Việt Nam đã tham gia rất nhiều FTA, nếu không tự chứng nhận xuất xứ thì DN sẽ gặp khó khăn, thiệt thòi rất lớn trong hoạt động xuất khẩu vì không nhận được những ưu đãi thuế quan. Từ đó sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế và hạn chế xuất khẩu”.Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện cung cấp C/O theo chế độ ưu đãi trong các FTA của các DN nước ta còn rất thấp. Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề cốt lõi ở đây là DN nước ta vẫn thường làm giấy chứng nhận xuất xứ ở mức độ “bị động” chứ không chủ động. Tức là họ chỉ thực hiện xin cấp C/O khi nhà nhập khẩu yêu cầu mà không thấy rõ lợi ích và ưu đãi của C/O.

Một vấn đề quan trọng khác khiến nhiều chuyên gia kinh tế trăn trở, đó là nước ta có tới hơn 900 nghìn DN nhỏ và vừa với kim ngạch xuất khẩu không cao nên khó để được chứng thực khả năng tự chứng nhận xuất xứ. “Mặc dù thời gian qua, trong quá trình áp dụng ưu đãi thuế quan phổ cập và ưu đãi thuế quan theo các FTA, chúng ta đã kiến nghị ưu đãi đối với cả các lô hàng nhỏ để đảm bảo cho các DN nhỏ với lượng xuất khẩu thấp không bị thiệt so với các DN lớn có khả năng tự CNXX, nhưng nhìn chung nhiều DN vẫn bị thiệt thòi”, bà Hương chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều DN cho biết họ gặp khó khăn, vướng mắc khi tự CNXX. Ông Phạm Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đông (Hà Nội) cho biết, quy định tiêu chí quá cao, quá khắt khe khiến DN khó đáp ứng và thực hiện. Ví như quy định nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất, hay quy định DN phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD...  mới được tự CNXX sẽ rất khó có DN nhỏ và vừa. Hoặc giả sử nếu DN đạt mức 10 triệu đô la Mỹ/năm thì cũng có thể là ở các thị trường khác chứ không ở khu vực ASEAN…

Còn theo bà Hương, thậm chí hiện phần lớn DN còn đang loay hoay, chưa biết cách làm, chưa hiểu về các biểu mẫu, các thủ tục và băn khoăn, lo lắng về các quy định hậu kiểm tại các nước nhập khẩu. Nhiều DN cũng sợ vì theo quy định nếu có một DN tự CNXX bị phát hiện gian lận, thì các nước nhập khẩu sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận C/O của cả một ngành sản xuất của nước đó. Như vậy, việc thực hiện làm "hộ chiếu" cho hàng hóa xuất ngoại vừa khó đạt được vừa chứa nhiều rủi ro đã khiến DN lo sợ, e ngại và thiếu mặn mà.

Cần nới lỏng quy định

Từ những vướng mắc trên, các DN cho rằng, cần có những thay đổi kịp thời nới lỏng các quy định cũ, tạo thuận lợi tối đa cho DN trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Đồng thời, cơ quan hữu quan cần tăng cường tổ chức tập huấn cho DN về tự CNXX.  “Để giúp DN hoạt động thương mại thuận tiện hơn, tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu trong nước thì các thủ tục C/O cần được cải tiến và hoàn thiện hơn”, ông Khánh kiến nghị.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, bản thân DN cần có ý thức chủ động hơn trong việc tìm hiểu, DN phải nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ của các nước tham gia ký hiệp định thương mại với Việt Nam.

Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hóa với nhiều điểm mới nhằm giúp DN tận dụng tối đa những ưu đãi về xuất xứ hàng hóa trong các FTA. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định có ba điểm mới nổi bật là gộp quy trình thủ tục cấp giấy CNXX hàng hóa ưu đãi và C/O để thống nhất quản lý và tạo thuận lợi cho thương nhân khi đề nghị cấp C/O.

Bên cạnh đó, thay giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi sản xuất ra nguyên liệu, hàng hóa trong hồ sơ đề nghị cấp C/O bằng Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa có xuất xứ được sản xuất tại Việt Nam trong trường hợp nguyên liệu, hàng hóa đó được sử dụng trong công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác.

Đặc biệt, dự thảo đã xây dựng hệ thống quản lý rủi ro trong quá trình cấp C/O thông qua phân luồng thương nhân đề nghị cấp C/O và bỏ quy định bắt buộc nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan. “Cộng đồng DN kỳ vọng rất nhiều vào hoạt động cải cách về TTHC nói chung và sự nới lỏng quy định tự CNXX để việc xuất nhập khẩu được thuận lợi hơn, năng lực cạnh tranh được nâng cao hơn”, bà Hương chia sẻ./.

Nguồn: Thời báo Tài chính

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: