Điểm tin

Tương lai nào cho ngành công nghiệp sản xuất ở ASEAN trong 50 năm tới?

02 tháng 02. 2018

ASEAN đã tăng trưởng vượt bậc kể từ khi được thành lập 50 năm trước. Trong nửa thế kỷ tiếp theo, dưới các tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, lợi thế cạnh tranh của ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang là lực lượng lao động lớn thứ 3, nền kinh tế sản xuất lớn thứ 5 về giá trị gia tăng và thị trường lớn thứ 7 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng 4,4% của khu vực trong giai đoạn 2012 – 2016 đã vượt cả các quốc gia phát triển như Mỹ và Đức.

Tình hình hiện tại

Tuy nhiên khi Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 diễn ra, khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với 3 thách thức chính trong việc duy trì hình ảnh một cơ sở sản xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, nhiều nước ASEAN bị đánh giá là ít thích ứng với thay đổi công nghệ. Họ thất bại trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cần thiết để duy trì lợi thế sản xuất của họ. Một số nước ASEAN vẫn phụ thuộc vào sản xuất cơ bản. Tỷ lệ giá trị gia tăng của họ thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hơn.

Thứ hai, chi phí nhân công thấp, vốn là nguồn gốc sức cạnh tranh của Đông Nam Á, lại không có tính bền vững. Các quốc gia thành viên ASEAN đang rơi vào thế gọng kìm với một bên là các nước có năng suất cao và bên còn lại là các nước với lao động rẻ hơn.

Cuối cùng, các công nghệ sản xuất mới giúp tăng năng suất và giảm chi phí đang trở thành lợi thế cạnh tranh mới trên toàn thế giới.

Tóm lại, Cách mạng công nghiệp thứ 4 đang viết lại các quy tắc trong ngành công nghiệp sản xuất. Các công nghệ mang tính đột phá như AI và phân tích Big Data đang biến đổi hệ thống sản xuất toàn cầu. Chúng tác động lên mọi thứ từ các quy trình trong nhà máy cho đến quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi tự động hóa tăng tốc và chi phí của nó giảm xuống, lao động giá rẻ sẽ không còn là một chiến lược bền vững và hiệu quả để thu hút đầu tư vào sản xuất nữa.

Theo kịp những người hàng xóm

Cũng có những mối đe dọa tiềm ẩn khác với khả năng cạnh tranh của ASEAN bên trong khu vực châu Á.

Phía tây, các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh đang chuyển mình với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với khu vực Đông Nam Á. Một nghiên cứu gần đây về 30 thành phố lớn nhất châu Á của Oxford Economics đã dự đoán rằng các thành phố Ấn Độ sẽ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực vào năm 2021.

Phía bắc, Trung Quốc bắt đầu giành lại một số lợi thế về chi phí mà họ đã mất vào tay Việt Nam và Thái Lan. Trung Quốc cũng đã ghi nhận những cải cách mạnh mẽ trong giáo dục đại học, năng suất lao động, sự sẵn sàng và ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, so với các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc đã đưa ra Lộ trình Sản xuất đến năm 2025 để chỉ dẫn đường lối hiện đại hóa công nghiệp của đất nước.

Các quốc gia ASEAN sẽ cần phải tăng tốc quá trình chuyển đổi của mình hoặc phải đối mặt với nguy cơ mất các khoản đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vào tay của Trung Quốc. Công nghệ mới phải được áp dụng và các công nhân phải được nâng cao tay nghề để có thể sử dụng các công nghệ này.

Thất bại trong việc đổi mới sẽ chắc chắn dẫn đến mất mất về đầu tư sản xuất và việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế của UN đã xác định Việt Nam, Campuchia và Indonesia là các quốc gia có số công nhân phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao nhất do quá trình tự động hóa.

Ở ASEAN, việc triển khai các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chủ yếu được thực hiện bởi các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn nội địa. Do đó, đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham giam vào quá trình chuyển đổi này, và toàn bộ lực lượng lao động được nâng cao tay nghề sẽ là chìa khóa cho sự phát triển toàn diện và rộng khắp hơn.

Hợp tác cùng nhau

Một trong những giải pháp mà các quốc gia ASEAN cũng nên xem xét là hợp tác với nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và cùng nhau vượt qua những thách thức chung của họ. Họ nên tận dụng thế mạnh của mỗi quốc gia và hợp lực cùng với nhau. Điều này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn chung của khu vực về khả năng cạnh tranh kinh tế và tăng cường mối quan hệ giữa các nước thành viên.

Sự hợp tác này không hoàn toàn mới với ASEAN. Tổ chức này đã nhắm tới việc tạo ra một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bằng cách giảm các rào cản thương mại và thiết lập một thị trường chung cho phép các nguồn hàng, dòng vốn và lao động giữa các quốc gia thành viên được tự do hơn.

Hợp tác sâu rộng hơn giữa các thành viên ASEAN cần nhắm tới 3 mục tiêu rõ ràng: Tăng cường thị trường cung để đảm bảo tính sẵn có và ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy nhu cầu nâng cao nhận thức và áp dụng công nghệ mới; và tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực và các cải tiến các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông thường nhằm củng cố hệ sinh thái cung – cầu. Sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được những kết quả này.

Nguồn: Báo Thời Đại

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: