Điểm tin

Môi trường kinh doanh còn xa mức trung bình ASEAN 4

17 tháng 05. 2018

Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đạt được một số kết quả nhất định. Song, tốc độ cải cách vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nghị quyết 19 đặt mục tiêu năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, nhưng hiện khoảng cách còn khá xa.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định như vậy, tại hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”, được tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.

Khoảng cách với ASEAN 4 còn quá xa

Phát biểu tại hội thảo, ông Hiếu nhận định, cải cách thể chế là yếu tố cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trên thực tế, thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.

"Ví như, với việc thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 19 của Chính phủ, chúng ta vẫn chưa thực hiện được khi mà đặt mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, song đến khoảng cách còn rất xa" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết, cải cách thể chế tuy có những bước tiến nhưng vẫn chậm. "Trên nóng, dưới lạnh" là tình trạng còn khá phổ biến. Hệ thống văn bản pháp luật chưa chuẩn và chưa "chất".

"Trong khi chúng ta đã nhận định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế và ưu tiên phát triển, thì thành phần kinh tế này vẫn gặp vô vàn khó khăn, rào cản" - ông Thắng nói.

Thêm vào đó, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp, do chất lượng nguồn nhân lực còn kém, máy móc công nghệ còn lạc hậu. "Trong khi nền kinh tế đang còn phụ thuộc nhiều vào các dự án đầu tư nước ngoài để làm đòn bẩy phát triển thì chất lượng các dự án lại chưa cao. Việc chuyển giao công nghệ chưa được như kỳ vọng. Đầu tư dàn trải..." - ông Thắng phân tích.

"Gỡ" về thể chế và tận dụng cơ hội "ngàn năm có một"

Trước thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục tập trung tháo gỡ “nút thắt” về thể chế, với sự nỗ lực mạnh mẽ và tập trung lớn của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, của các thành phần kinh tế và cộng đồng DN.

“Chính phủ đã chỉ đạo xoá bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh. Do đó các bộ, ngành cần nghiêm túc thực hiện và thực hiện hiệu quả. Trong đó, việc tiên quyết là thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới. Điều đáng chú ý ở đây là cần thay đổi tư duy từ ở cấp nhân viên, chuyên viên chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo” - ông Hiếu khẳng định.

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ tự động hóa sẽ tạo ra diện mạo mới cho các ngành nghề trong nền kinh tế. Việc bám sát và ứng dụng công nghệ là giải pháp rất tốt, gỡ nút thắt về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân chính là hai trụ cột giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Do đó, thời gian tới, nước ta cần tiếp tục mở rộng cánh cửa hơn để thu hút đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính. Đây đồng thời cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dự án, coi trọng đúng mức và linh hoạt về chính sách để “hút” các nhà đầu tư tiềm năng lớn.

Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần cải cách thể chế theo tư duy mới, phải đổi mới mạnh mẽ để không tạo ra những cản trở không đáng có. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội “ngàn năm có một” giúp các nước đang phát triển thay đổi công nghệ, phương thức cũng như mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất để thông qua đó thu hẹp khoảng các với các quốc gia phát triển trên thế giới".

                                                                                                                  Nguồn: Thời báo Tài chính

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: