Điểm tin

Các doanh nghiệp Úc cần khẩn trương tận dụng cơ hội tại ASEAN

17 tháng 05. 2018

Ông Martin Tricaud, Tổng giám đốc điều hành của HSBC Úc, kiêm thành viên Ban quản trị HSBC Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Úc nên tập trung vào tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng ở ASEAN, trong đó có Việt Nam.

ASEAN - Điểm then chốt của các nhà đầu tư trên thế giới

Với kết nối mạnh mẽ gồm 10 quốc gia thành viên, ASEAN đã sẵn sàng trở thành một thế lực kinh tế đáng nể. Tốc độ tăng trưởng dễ dàng "qua mặt" khu vực đồng tiền chung Châu Âu hoặc Mỹ. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất và tiêu thụ của ASEAN khiến cho khu vực này trở thành điểm đến then chốt của các công ty và nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Đô thị hóa và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang biến ASEAN trở thành thị trường quan trọng cho bất kì sản phẩm hay dịch vụ nào từ hàng gia dụng, điện thoại di động, cho đến y tế, giáo dục, du lịch và nông sản.

Báo cáo nghiên cứu tháng 11/2015 của HSBC Global Research về EAC chỉ ra rằng, thu nhập bình quân trên đầu người của cả khu vực dự kiến sẽ đạt hơn 9.000 USD vào năm 2030, so với mức chỉ 3.000 USD vào năm 2010. ASEAN vì vậy sẽ sở hữu một lực cầu mạnh mẽ và là nhân tố tiềm năng có thể làm thay đổi cuộc chơi trong mắt các công ty đang tìm kiếm tăng trưởng ở nước ngoài.

Từ chỗ là công xưởng sản xuất xe hơi, đồ điện tử và nhiều sản phẩm khác, ASEAN giờ đã trở thành thị trường cho chính những mặt hàng này. Cũng giống như “Sản xuất tại Trung Quốc” trở thành “Sản xuất cho người Trung Quốc”, “Sản xuất tại ASEAN” cũng đang nhanh chóng trở thành “Bán cho ASEAN.”

Ngoài ra, hơn một nửa dân số ASEAN đang ở độ tuổi dưới 30. Họ tạo thành một tầng lớp tiêu thụ mới được đánh giá là những người ưa chuộng nền kinh tế kỹ thuật số. Cũng giống như những người cùng thế hệ ở Trung Quốc, Mỹ hay Úc, họ có xu hướng muốn tích hợp công nghệ di động và trực tuyến vào nhiều phương diện của đời sống hằng ngày.

Vì vậy, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gấp 6 lần, đạt khoảng 200 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại trực tuyến có thể đạt đến 88 tỷ USD vào cùng thời kỳ, chủ yếu nhờ vào tầng lớp trung lưu có xu hướng muốn mua hàng trước khi có đủ khả năng tài chính và ngay khi chưa tiếp xúc với món hàng.

Các hiệp định thương mại và cơ hội tại Việt Nam

Úc đã có được các hiệp định thương mại (FTA) với 3 trong số các thị trường lớn nhất của ASEAN là Singapore, Thái Lan và Malaysia; và sắp tới là hiệp định thương mại thứ 4 với Indonesia.

Các hiệp định thương mại song phương cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có thể giúp củng cố mạnh mẽ tính cạnh tranh của Australia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Mặc dù không có hiệp đinh thương mại song phương nhưng vào tháng 3/2018, Úc và Việt Nam đã ký kết tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác này sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tiếp tục tăng trưởng so với giá trị 6,5 tỷ USD trong năm 2017.

Cũng trong khuôn khổ hợp tác này, Úc và Việt Nam đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam đã mang lại cơ hội tốt cho các dịch vụ giáo dục của Úc, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

Úc là một trong những điểm đến du học được ưa thích hàng đầu đối với người Việt Nam. Hiện Việt Nam xếp thứ tư trong số các quốc gia về số lượng du học sinh cao nhất tại Úc và nhu cầu về giáo dục đại học và sau đại học của người Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Úc cần phải khẩn trương

Ông Martin Tricaud cho rằng, đối với một ASEAN đa dạng, áp dụng cách tiếp cận duy nhất cho tất cả các quốc gia thành viên sẽ không phải là chìa khóa thành công. Trong bối cảnh mà mọi sự chú ý dường như đang dồn về những chuyển dịch kinh tế tại Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN trong đó có Việt Nam, rất dễ bị lãng quên. Nhưng khu vực này cũng đang diễn ra sự chuyển đổi về mặt nhân khẩu học tương tực như hai nước láng giềng.

Vì vậy, các doanh nghiệp Úc cần phải khẩn trương nếu như muốn tận dụng những cơ hội tại ASEAN, trước khi để các đối thủ khác chiếm lĩnh được vị trí thuận lợi.

Bên cạnh đó, ông Martin Tricaud cảnh báo, ASEAN không phải là khu vực dễ tiếp cận và là khu vực khá dàn trải và thiếu kết nối về mặt địa lý, hạ tầng hoặc vẫn chưa phát triển hoặc là đang quá tải. 

Các doanh nghiệp Úc cần điều chỉnh mô hình kinh doanh để phù hợp với nhiều loại hình tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ, các hệ thống chính trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Chẳng hạn, thu nhập bình quân trên đầu người của Singapore hiện cao hơn gấp 40 lần so với thu nhập bình quân của người Myanmar và xấp xỉ 25 lần của người Việt Nam.

                                                                                                             Nguồn: Báo Nhịp sống kinh doanh

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: