Điểm tin

Triển vọng thương mại điện tử tại Indonesia

14 tháng 06. 2019

Theo báo Jakarta Post, thời gian tới Indonesia sẽ tập trung thúc đẩy thương mại điện tử như một cách để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trong năm năm tới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để tăng cường cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, kích thích tăng trưởng kinh tế. Thương mại điện tử được coi là một cách tốt để Indonesia có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 7% hàng năm đến năm 2025. Mục tiêu này không khó để thực hiện vì theo dự đoán, Indonesia có thể chiếm 46% thương mại điện tử Đông Nam Á về giá trị vào giữa thập kỷ tới.

Khả năng phát triển ngày càng tăng và tầm quan trọng của lĩnh vực này được thể hiện qua các khoản đầu tư lớn bởi các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com vào các doanh nghiệp thương mại điện t..ử của Indonesia. Cả Tencent và JD.com đều đang đầu tư mạnh vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao thông của Indonesia như Go-Jek. Go-Jek cũng đã thu hút đầu tư từ Google, khoản đầu tư trực tiếp đầu tiên từ một công ty công nghệ Mỹ ở Indonesia. Cả hai doanh nghiệp Go-Jek và Singapore Grab đang trong cuộc đua trở thành tập đoàn công nghệ tiêu dùng lớn nhất Đông Nam Á bằng cách mở rộng tại Indonesia. Những khoản đầu tư mang tính bước ngoặt này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Indonesia như một thị trường thương mại điện tử mới nổi.

Từ năm 2014, thống kê cho thấy người dân Indonesia đã sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhất trên thế giới - thời gian sử dụng trung bình đã tăng từ 181 phút lên 206 phút mỗi ngày. Đến nay, Indonesia là nước có tỷ lệ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cao thứ tư trên thế giới.

Tuy nhiên, không phải tất cả người Indonesia đều có cơ hội như nhau trong việc truy cập Internet. Ở khu vực thành thị, 72% người dân được tiếp cận so với chỉ 48% những người ở khu vực nông thôn. Trong nhiệm kỳ tới, chính phủ của Tổng thống Widodo sẽ tập trung vào phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để giúp nâng tỷ lệ kết nối nông thôn. Indonesia đã tụt lại phía sau so với các nước láng giềng trên lĩnh vực này, chỉ đầu tư 1,3% GDP so với Thái Lan 2,4%, Malaysia, 4,5% và Singapore, 6,6%.

Đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thanh niên Indonesia cũng sẽ là một thách thức lớn cho Chính phủ Indonesia. 24% dân số Indonesia là thanh niên, trong số đó 88% muốn bắt đầu kinh doanh, khởi nghiệp riêng. Chính phủ Indonesia cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tạo cơ hội cho họ - không chỉ để kích thích tăng trưởng kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu về mặt chính trị của họ.

Để giải quyết các vấn đề trên, Indonesia rất cần một lộ trình kỹ thuật số quốc gia. Đây sẽ là trọng tâm của trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Joko Widodo.

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: