Điểm tin

Ký xong FTA với EU, Singapore và Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn các nước ASEAN khác?

05 tháng 08. 2019

Vấn đề then chốt ở đây chính là việc thỏa thuận thương mại tự do sẽ mang đầu tư đến nước có ký kết thỏa thuận và kéo nguồn tiền ra khỏi nước không có thỏa thuận, chuyên gia nhận định. 

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất việc ký kết thỏa thuận thương mại với Singapore và Việt Nam trong năm nay, nhiều nền kinh tế lớn khác thuộc Đông Nam Á nhiều khả năng cũng sẽ có động lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán để ký kết thỏa thuận thương mại của riêng họ, tuy nhiên, các cuộc đàm phán với EU chắc chắn không hề đơn giản, theo Nikkei đưa tin.

Các cuộc đối thoại riêng rẽ với Indonesia và Philippines vẫn đang diễn ra, thế nhưng bị cản trở bởi việc chính phủ Indonesia phản đối việc EU cấm nhập khẩu dầu cọ, ngoài ra với Philippines phía châu Âu lo ngại về cuộc chiến chống lại ma túy của Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte cũng như một số lo lắng về nhân quyền. Cùng lúc đó, đối thoại giữa EU và Malaysia cũng gặp cản trở bởi sản phẩm dầu cọ, còn đối thoại giữa Thái Lan và EU đã đình trệ trong nhiều năm.

Dù vậy, EU vẫn tiếp tục. Cao ủy thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom, vào tháng 6/2019 đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Việt Nam có thể coi như bước tiến quan trọng để giúp tạo tiền đề ký kết thỏa thuận thương mại với thêm khoảng 4 nước nữa.

Trong năm ngoái, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của nhóm 10 nước thuộc ASEAN, chỉ sau Trung Quốc. Kim ngạch thương mại đạt khoảng 263 tỷ USD. EU đồng thời hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN, tính đến cuối năm 2017, EU đã đầu tư tổng số khoảng 374 tỷ USD vào khu vực này.

Thỏa thuận thương mại mà EU đã ký kết được với Việt Nam và Singapore quan trọng bởi xét đến việc hai nước này chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thương mại EU-ASEAN trong năm ngoái. Tuy nhiên, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan cũng có kim ngạch không nhỏ, 4 nước này chiếm hơn 50% tổng kim ngạch thương mại EU-ASEAN. 4 nước ASEAN còn lại bao gồm Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar chỉ đóng góp tổng kim ngạch thương mại nhỏ nhoi còn lại.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng bởi thỏa thuận thương mại mà EU đã ký kết với Singapore, Việt Nam sẽ làm giảm mức thuế với phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ nhóm nước này sang EU, nhóm 4 nước còn lại bao gồm Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan lo ngại sẽ bị bỏ lại phía sau nếu họ không ký được thỏa thuận thương mại.

Giáo sư thỉnh giảng ngành khoa học chính trị tại đại học John Cabot ở Rome, ông Bridget Welsh, nhận xét: “Vấn đề then chốt ở đây chính là việc thỏa thuận thương mại tự do sẽ mang đầu tư đến nước có ký kết thỏa thuận và kéo nguồn tiền ra khỏi nước không có thỏa thuận bởi một số khó khăn về pháp lý”.

Vào tháng trước, Văn phòng chính sách và chiến lược thương mại Thái Lan cảnh báo rằng một số nhà sản xuất phụ tùng ô tô và lắp ráp thiết bị công nghệ tại Thái Lan có thể chuyển hoạt động sang Việt Nam để có thể tận dụng được việc hàng sẽ được miễn thuế quan khi xuất sang thị trường châu Âu.

Nguồn: BizLive

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: