Điểm tin

Cụ thể hóa cam kết về quá cảnh hải quan ASEAN

16 tháng 09. 2019

Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn là cơ sở để Việt Nam thực hiện các điều ước cam kết tạo thuận lợi thương mại với các quốc gia thành viên ASEAN...

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN), để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan, kịp trình Chính phủ đưa ra lấy ý kiến tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 17/9/2019. Dự thảo nghị định được xây dựng phù hợp với các quy định chuẩn mực quốc tế và nội luật, đồng thời có nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Cơ sở để Nghị định thư số 7 và 2 có hiệu lực 

Theo Tổng cục Hải quan - cơ quan được Bộ Tài chính giao chủ trì soạn thảo, Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn là cơ sở để Việt Nam thực hiện các điều ước cam kết tạo thuận lợi thương mại với các quốc gia thành viên ASEAN.

Về cơ sở pháp lý, dự thảo Nghị định quá cảnh hải quan ASEAN được xây dựng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan tới hoạt động hàng hóa quá cảnh như: Luật Thương mại năm 2005, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Năm 1998, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh. Trong hiệp định khung, có hai nghị định thư liên quan đến lĩnh vực hải quan là Nghị định thư 2 về chỉ định các cửa khẩu biên giới và Nghị định thư số 7 về hệ thống quá cảnh hải quan. Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN lần thứ 17 (ngày 4/4/2013), Nghị định thư 7 đã được các bộ trưởng ký kết. 

Kịp thời triển khai cam kết này, ngày 17/1/2017, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét và cho ý kiến đối với việc phê duyệt Nghị định thư 7. Ngày 14/7/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận phê duyệt Nghị định thư 7. 

Sau khi được phê duyệt, hiện Nghị định thư 7 và Nghị định thứ 2 đã xác định được thời điểm có hiệu lực thi hành với tất cả các nước ASEAN (Nghị định thư 7 có hiệu lực từ ngày 19/2/2019, Nghị định thư 2 có hiệu lực từ ngày 6/10/2019). Tuy nhiên, Nghị định thư 7 chỉ có thể thực hiện được khi Nghị định thư 2 có hiệu lực, do đó Hệ thống quá cảnh hải quan theo Nghị định thư 7 sẽ có hiệu lực thi hành với tất cả các nước ASEAN từ ngày 6/10/2019.

Để thực hiện Nghị định thư 7, được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2018 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tập trung xây dựng hoàn thiện dự thảo nghị định, thông qua việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo nghị định cũng đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến tại văn bản thẩm định công văn  ngày 25/10/2018. Ngày 20/5/2019, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Nhiều điểm mới tạo thuận lợi thương mại

Theo Tổng cục Hải quan, dự thảo nghị định đảm bảo tính bao quát trong hoạt động quá cảnh hải quan. Phạm vi áp dụng gồm các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; chế độ ưu tiên; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế. Đối tượng áp dụng gồm: tổ chức, cá nhân thực hiện quá cảnh hàng hóa; cơ quan nhà nước liên quan và người bảo lãnh.

Về thủ tục hải quan, dự thảo nghị định quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh cũng như các cơ quan liên quan để đảm bảo thủ tục được xử lý trên một hệ thống thống nhất đối với từng luồng đi của hàng hoá (Việt Nam là điểm xuất phát, Việt Nam là điểm đích, Việt Nam là điểm trung gian).

Về bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế, dự thảo nghị định quy định về bảo lãnh riêng; bảo lãnh chung; cách tính tiền bảo lãnh; đặt cọc tiền thuế; điều kiện, quyền và trách nhiệm của người bảo lãnh; kiểm tra, theo dõi xử lý bảo lãnh, tiền đặt cọc của cơ quan hải quan; thu hồi và phối hợp thu hồi nợ thuế hải quan giữa các nước có hành trình hàng hoá quá cảnh đi qua… Mức bảo lãnh, đặt cọc theo mức thuế nhập khẩu cao nhất trong các quốc gia của hành trình quá cảnh.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định còn đề xuất một số nội dung mới liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, cơ chế xử lý các tình huống phát sinh/bất khả kháng, vi phạm pháp luật về thuế trong nước, quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế; việc áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện quá cảnh hàng hóa./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: