Điểm tin

Phía sau sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư ở Đông Nam Á

14 tháng 10. 2019

Tờ Nikkei Asia Review vừa đăng bài phân tích của tác giả Pavida Pananond, Phó Giáo sư của Đại học Thammasat của Thái Lan, về những thay đổi về dòng vốn đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.

Với tiêu đề “ Đông Nam Á chuyển mình từ “công xưởng thế giới” thành “thị trường châu Á””, bài viết cho biết xu hướng đầu tư nội khối đang gia tăng trong khu vực kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy sự chuyển mình về kinh tế của khu vực này. Dưới đây là nội dung bài phân tích.

Không có nền kinh tế nào có thể thoát khỏi tác động của cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, quản lý tiền tệ và vai trò của chính phủ trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, về cơ bản, Đông Nam Á có thể thu về nhiều hơn so với những gì khu vực này bị mất.    

Với 650 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 3.000 tỷ USD, Đông Nam Á được coi là “Công xưởng châu Á” – một hệ thống các cơ sở sản xuất các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng với chi phí thấp. Tuy nhiên, gần đây, các công ty bản địa đã gia tăng đầu tư trong nội khối để mở rộng hoạt động của họ ở các quốc gia láng giềng. Điều này đánh dấu sự thay đổi quan trọng theo hướng có thể tạm gọi là “Thị trường châu Á”.

Đây có thể sẽ là sự tiến triển quan trọng đối với Đông Nam Á nếu chính phủ các nước trong khu vực hành động một cách nhanh chóng để điều chỉnh các chính sách và chương trình hỗ trợ cho xu hướng này.    Kể từ cuối những năm 1980, lao động rẻ và dồi dào cùng với các chính sách định hướng xuất khẩu, thân thiện với nhà đầu tư của các chính phủ đã giúp khu vực này thu hút các công ty đa quốc gia ở các nền kinh tế phát triển tới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và xuất khẩu.

Đến năm 2017, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được xếp ở vị trí thứ 4 trong số các khu vực xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm tới 7% giá trị xuất khẩu thế giới, với mặt hàng xuất khẩu rất đa dạng từ hàng hóa tiêu dùng như giầy thể thao tới các sản phẩm trung gian như ổ cứng và vật liệu bán dẫn. Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Western Digital và Toshiba đã coi khu vực Đông Nam Á là một trong số các trung tâm sản xuất quan trọng nhất của họ.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm lu mờ vai trò của khu vực Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kể từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ - nước vốn dẫn đầu trong lĩnh vực này từ năm 1980. Không có bất cứ quốc gia hay khu vực nào có thể dễ dàng bắt kịp sự phát triển đó của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cùng với sự gia tăng về chi phí ở Trung Quốc và xu hướng hướng nội ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đã giúp Đông Nam Á tỏa sáng trở lại.    Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đã buộc các công ty đa quốc gia có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và các công ty Trung Quốc phải xem xét lại địa điểm đặt chuỗi cung ứng của mình. Việc tiếp tục duy trì các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc vẫn cần thiết để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ đã trở nên đắt đỏ hơn.

Đông Nam Á là phương án thay thế hấp dẫn bởi vì, khu vực này gần Trung Quốc, có các chi phí tương đối hợp lý và một nền kinh tế đang tăng trưởng. Kết quả thăm dò mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) ở Trung Quốc đối với các thành viên Amcham cho thấy gần 40% đã di chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc hoặc đang cân nhắc làm như vậy. Trong số 40% doanh nghiệp đã và sẽ di chuyển, Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu với gần 25% doanh nghiệp được hỏi bày tỏ sự ưu ái đối với khu vực này.    

Nếu không tính tới hoạt động di chuyển chuỗi cung ứng, các dòng vốn đầu tư đang gia tăng trong nội khối phản ánh ý định của các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội ở thị trường gần “nhà” hơn. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đầu tư trong nội khối đã tăng 22 lần, từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 27 tỷ USD trong năm 2017.

Các dòng vốn đầu tư nội khối không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống như điện tử, thực phẩm và đồ uống mà còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ, trong đó có bất động sản, tài chính, bán buôn và bán lẻ. Các thương hiệu quen thuộc bao gồm các tập đoàn lớn thuộc sở hữu gia đình như Charoen Pokphand Group của Thái Lan, Lippo Group của Indonesia và Ayala Group của Philippines. Các công ty đa quốc gia hàng đầu khu vực khác là những doanh nghiệp quốc doanh hoặc có quan hệ với chính phủ như PTT ở Thái Lan, Sime Darby ở Malaysia hay Singtel ở Singapore.Theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, đầu tư nội khối đã trở thành một nguồn vốn FDI quan trọng nhất, chiếm gần 20% tổng vốn FDI chảy vào khu vực này. Xu hướng này là một bằng chứng thuyết phục cho thấy sự chuyển đổi từ “Công xưởng châu Á” sang “Thị trường châu Á” ở khu vực này.

Việc khu vực hóa các hoạt động thương mại và đầu tư của các công ty ở Đông Nam Á đã giúp chống lại tình trạng căng thẳng do sự thù địch đang gia tăng giữa các cường quốc kinh tế.    Tuy nhiên, các tác động tích cực không phải tự nhiên mà có. Các chính phủ trong khu vực cần phải đưa ra các chính sách để tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức. Một kịch bản mong muốn là các quốc gia láng giềng sẽ vừa là những đối thủ cạnh tranh, vừa là các đối tác.

Hiểu rõ vị trí của mỗi nước trong các chuỗi giá trị khu vực sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp. Chẳng hạn, đầu tư vào ngành công nghiệp cơ bản có sức hấp dẫn khác với việc đầu tư vào các hoạt động giúp tăng giá trị gia tăng và vì vậy, các chính sách cần phải khác nhau. Việc tập trung vào các lợi thế dựa trên chi phí như miễn thuế ở các đặc khu kinh tế có thể sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp muốn di chuyển các cơ sở sản xuất có chi phí thấp.

Để Đông Nam Á phát huy hết tiềm năng, các nhà hoạch định chính sách ở khu vực này cần hướng tới tương lai, ở đó sự đổi mới, các chuỗi cung ứng chuyên biệt và các thể chế mạnh giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng trở thành các nhân tố quan trọng trong chương trình nghị sự về cạnh tranh quốc gia.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: