Điểm tin

Hiệp định RCEP: Giải quyết vướng mắc để về đích đúng hạn

16 tháng 10. 2019

14/20 Chương của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được thông qua sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 9 vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Lãnh đạo nước chủ nhà Thái Lan - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit - nhận định: Đây là một cuộc họp vô cùng khó khăn và hoàn toàn nghiêm túc. Tháng trước, các quan chức đã nhất trí 13 Chương nói về các vấn đề giảm thuế, thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Tại hội nghị lần này, các bên tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại. Mặc dù không đạt được tiến bộ đáng kể nào, song vị lãnh đạo vẫn lạc quan cho rằng, 6 Chương nội dung còn lại của hiệp định có thể được hoàn tất trước lúc diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các cấp cao liên quan tại Bangkok (Thái Lan) vào đầu tháng 11 tới.

Các vấn đề còn tồn tại, Ấn Độ luôn dành mối quan tâm đặc biệt khi lo ngại hiệp định có thể làm trầm trọng thêm tình hình thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Quan điểm chính thức của Ấn Độ là đàm phán RCEP sẽ dẫn đến một thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi giữa các quốc gia thành viên ASEAN và đối tác của ASEAN.

Theo thông tin từ Business Today, Ủy ban Đàm phán thương mại (TNC) bao gồm các nhà đàm phán của tất cả các nước tham gia RCEP có thể sẽ họp vào ngày 17, 18/10 để xem xét mối quan tâm của Ấn Độ về chia sẻ dữ liệu điện tử và nhu cầu lưu trữ dữ liệu địa phương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Đối với Việt Nam, khi hiệp định được ký kết, mức thuế xuất khẩu hàng hóa có thể chỉ từ 0% - 5%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, quy tắc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ Việt Nam.

Bộ trưởng thương mại và các nhà đàm phán của các nước thành viên cùng nhau đàm phán, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hướng đến thống nhất những nội dung sẽ có trong một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: